Hoạt động cải tạo, bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại bãi Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần qua đưa tin ngọn hải đăng trên mũi cực đông của Đá Vành Khăn sẽ là công trình cao nhất ở Trường Sa, với độ cao 60 mét. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở hạ tầng đang được xây dựng ở Biển Đông mang mục đích dân sự, giúp tàu bè tránh va chạm các bãi đá và hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng việc xây dựng hải đăng chính là nét phác họa vĩnh cửu về sự hiện diện, chiếm đóng và chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực.
Hiện Trung Quốc đang vận hành 3 hải đăng trên các đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. Ngọn hải đăng trên Đá Subi đã hoàn tất hồi tháng 4/2016, trong khi 2 hải đăng trên Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên được hoàn thành từ tháng 10/2015. Trước đó báo chí Trung Quốc đưa tin công trình xây dựng một bệnh viện trên Đá Chữ Thập sẽ được hoàn tất trong tháng 6/2016.
Thông tin trên được công bố giữa lúc hải quân Mỹ, Nhật, Ấn Độ bắt đầu cuộc diễn tập chung ba bên mang tên "Malabar" vào ngày 10/6 tại vùng biển ngoài khơi Okinawa, dự kiến kéo dài tới ngày 17/6.
Liên quan tới các hoạt động trái phép của Trung
Quốc tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn
mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là
không thể tranh cãi". Việt Nam "kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm
nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói,
hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định
ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất
là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các
bên ở Biển Đông (DOC)”.