Trung Quốc đã hủy hoại môi trường sinh thái ở Biển Đông

Trung Quốc từng cho biết việc xây dựng các đảo nhân tạo có thể giúp bảo vệ môi trường, tuy nhiên thông qua hoạt động nạo vét đáy biển một cách có chủ ý và xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc đã hủy hoại môi trường sinh thái và các rạn san hô một cách nghiêm trọng.

Giáo sư Đại học Miami, Mỹ, John McManus trình bày tại phiên thảo luận.

Trong khuôn khổ Hội thảo thường niên tại Viện Walker, ĐH South Carolina, Mỹ, đã diễn ra phiên thảo luận “An ninh môi trường: Thử thách gắt gao tại Biển Đông” dưới sự chủ trì của chuyên gia cao cấp của Viện Mỹ Châu Á (Washington DC) James Borton.

Phiên thảo luận đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ và sinh viên ĐH South Carolina…

Tại phiên thảo luận, các học giả đã phân tích, đánh giá, dẫn chứng chứng minh các hoạt động hủy hoại môi trường sinh thái Biển Đông, nhất là hậu quả môi trường từ các hoạt động Trung Quốc tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, đồng thời đưa ra sáng kiến giải quyết hòa bình các tranh chấp và bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Giáo sư Kathleen Walsh, Đại học chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã đưa ra nhiều lý giải cho các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, trong đó có những giải thích được cho là hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế.

Trung Quốc từng cho biết việc xây dựng các đảo nhân tạo có thể giúp bảo vệ môi trường, tuy nhiên thông qua hoạt động nạo vét đáy biển một cách có chủ ý và xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc đã hủy hoại môi trường sinh thái và các rạn san hô một cách nghiêm trọng.

Để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về việc xây dựng “con đường tơ lụa” trong đó nhấn mạnh tới sự phát triển xanh, bền vững. Trên thực tế, “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc nếu hoàn thành có thể được sử dụng vào cả hai mục đích quốc phòng và thương mại. Bên cạnh đó, “con đường tơ lụa” của Trung Quốc đặt ưu tiên xây dựng các cơ sở quân sự quan trọng, chưa quan tâm tới các vấn đề khác, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường.

Biển Đông được coi là mắt xích quan trọng của “Con đường tơ lụa”, tuy nhiên “nút thắt” này vẫn chưa được tháo gỡ. Các công trình tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông đã và đang chịu nhiều phản đối từ công luận, đặt ra những thách thức và quan ngại cho các quốc gia khác, đồng thời làm suy yếu sự hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trong bài tham luận về “các ngư trường, rạn san hô và các đảo – mấu chốt của hòa bình và xung đột vũ trang tại Biển Đông”, giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, John McManus cho rằng để xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông, Trung Quốc đã dùng các “tàu cắt” gây nhiều thiệt lại cho các rạn san hô và môi trường sinh thái biển.

Điển hình là các hoạt động tôn tạo, xây dựng trái phép của Trung Quốc tại đá Chữ Thập (trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), những hoạt động này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đá Chữ Thập, đồng thời biến nó từ một đá tự nhiên thành đảo nhân tạo, làm hủy hoại hệ sinh thái tại đây.

Trên thực tế, ngư dân Trung Quốc đã sử dụng các “tàu cắt” để khai thác loài trai khổng lồ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhằm lấy vỏ chế tác thành các đồ trang sức đắt tiền. Phương pháp khai thác của họ là sử dụng các “tàu cắt” để nạo vét lớp đáy biển.

Những lớp nạo vét sau đó được gom lại thành những núi lớn phục vụ cho việc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo. Hoạt động này cũng đã gây thiệt hại không thể khắc phục cho các rạn san hô và môi trường sinh thái xung quanh.

Theo ước tính, các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162 km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó hoạt động tôn tạo, gia cố đảo của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2.

Đáng chú ý, hồi đầu tháng 9, xuất hiện những bức ảnh cho thấy, nhiều tàu Trung Quốc đã xuất hiện tại bãi cạn Scarborough, trong đó có các “tàu cắt”.

Điều này làm nảy sinh quan ngại cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục bất chấp dư luận, tiến hành các hoạt động nạo vét, xây dựng đảo nhân tạo tại Scarborough nhằm hình thành miếng ghép cuối cùng của “tam giác chiến lược” gồm đảo Phú Lâm (Hoàng Sa, mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam)-đá Chữ Thập (Trường Sa) và bãi Scarborough và thông qua đó kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Bên cạnh các hoạt động tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, các hoạt động đánh bắt cá tận diệt, không đúng quy định tại Biển Đông cũng vẫn đang tiếp diễn, gây nguy cơ suy giảm các loài sinh vật biển đồng thời đe dọa tới an ninh lương thực của khu vực.

Theo học giả Johan Bergenas thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, các đại dương luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho người dân ven biển. Trên thế giới hiện có khoảng 1 tỉ người sống dựa vào nguồn cá đánh bắt từ đại dương và nghề cá cũng tạo ra hơn 260 triệu việc làm cho người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nguồn cá tại các đại dương nói chung và Biển Đông nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các hoạt động đánh bắt cá không đúng quy định.

Hàng năm có tới 26 triệu tấn cá bị đánh bắt cá bất hợp pháp. Bên cạnh những hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước khác, nhiều tàu cá các nước còn sử dụng phương pháp đánh bắt cá tận diệt, thậm chí cùng một lúc cho đội tàu cá hùng hậu lên đến hàng nghìn chiếc ra khơi đánh bắt gây ra nguy cơ suy giảm nguồn cá.

Để bảo vệ môi trường sinh thái Biển Đông trước khi quá muộn, các học giả cho rằng, cần sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, trong đó cần đặc biệt chú ý tới việc bảo vệ môi trường sinh thái biển. Nên nghiên cứu áp dụng xây dựng mô hình “công viên hòa bình” tại Biển Đông.

Theo đó, các bên cần “đóng băng” tất cả các tuyên bố chủ quyền, giữ nguyên trạng, không tiến hành thêm các hoạt động tôn tạo, xây dựng đồng thời cùng tham gia đàm phán xây dựng các quy tắc ứng xử chung có tính ràng buộc với tất cả các bên trong quá trình khai thác và bảo vệ môi trường sinh thái Biển Đông.

Phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Theo Phụ lục 7 Công ước LHQ năm 1982 về Luật Biển (thuộc Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye - Hà Lan) đã nêu rõ: “Tòa Trọng tài thường trực đã xem xét các ảnh hưởng đối với môi trường biển từ các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo tại 7 thực thể tại Trường Sa và thấy rằng Trung Quốc đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường san hô, vi phạm các quy định về trách nhiệm bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh cùng những nơi cư trú của các loài sinh vật vốn đang bị gặp nguy hiểm".


Tòa cũng thấy rằng, Trung Quốc nhận thức được việc các ngư dân nước mình đã tiến hành các hoạt động khai thác tại Biển Đông với quy mô lớn, làm nguy hại tới các loài sinh vật như rùa biển, trai khổng lồ tại Biển Đông, đã sử dụng các biện pháp khai thác làm hủy hoại nghiêm trọng môi trường san hô biển và đã không thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn các hành động hủy hoại môi trường sinh thái nói trên.


Tin, ảnh: Hữu Hoàng (P/v TTXVN tại New York)
Tổng thống Philippines tuyên bố cần có Mỹ ở Biển Đông
Tổng thống Philippines tuyên bố cần có Mỹ ở Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhìn nhận Manila cần có quân đội Mỹ tại Biển Đông sau khi sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Mỹ tại khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN