Tổng thống Philippines tuyên bố cần có Mỹ ở Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhìn nhận Manila cần có quân đội Mỹ tại Biển Đông sau khi sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Mỹ tại khu vực.

Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte trong cuộc họp tại căn cứ quân sự thị trấn San Miguel, tỉnh Bulacan, phía bắc Manila ngày 15/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bloomberg ngày 21/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhìn nhận Manila cần có quân đội Mỹ tại Biển Đông, và sau đó lại phản đối những chỉ trích từ Mỹ và châu Âu về cuộc chiến chống ma túy của ông.

Một tuần sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Mỹ tại Biển Đông và rút lực lượng Mỹ ra khỏi Mindanao, ông Duterte biện minh rằng mục đích của ông chỉ nhằm thương lượng thành công với phe Hồi giáo nổi dậy. Nói chuyện trước các quân nhân ở Davao, ông tuyên bố: "Tôi nói rằng có thể trong tương lai lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ phải rời đi. Tôi chưa bao giờ nói họ phải ra khỏi Philippines. Dù sao đi nữa, chúng ta cần có họ tại Biển Đông". Cũng theo ông Duterte, Philippines "không có đủ vũ khí để có thể chiến đấu", và "cũng không sẵn sàng tham chiến với Trung Quốc vì đó sẽ là một cuộc thảm sát". Ông than phiền là các chiến đấu cơ được Không quân Philippines mua trước đây có hỏa lực không đủ mạnh. Tờ Philippines Star dẫn lời ông Duterte nêu rõ: "Vấn đề là họ không muốn giao cho chúng ta hỏa tiễn. Chúng ta có thể mua từ Hàn Quốc, nhưng Seoul không thể bán nếu Mỹ không đồng ý".

Từ nhiều thập kỷ qua, liên minh quân sự với Philippines vẫn là nền tảng cho ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra yêu sách đến trên 80% diện tích Biển Đông. Ông Duterte nói sẽ tôn trọng liên minh, nhưng vẫn nhấn mạnh "một chính sách đối ngoại độc lập".
 Indonesia muốn Mỹ giúp nâng cấp căn cứ Hải quân ở Biển Đông

Cũng theo tiết lộ của chuyên san quốc phòng Anh IHS Jane ngày 21/9, Indonesia vừa cử một phái đoàn qua Mỹ để thăm dò khả năng nhờ Washington tài trợ cho một căn cứ Hải quân Indonesia nhìn ra Biển Đông.

Theo chuyên san IHS Jane, phái đoàn Indonesia bao gồm 5 sĩ quan Hải quân cấp cao, hiện đang có mặt ở Mỹ để thảo luận về khả năng nhận chi viện từ chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF) của Mỹ, để nâng cấp của một căn cứ Hải quân của Indonesia tại vùng Biển Đông.


Phái đoàn Indonesia đã đến Mỹ trong tư cách khách mời và sẽ ghé thăm một số thành phố của Mỹ để nghiên cứu các cơ sở và trung tâm huấn luyện của Hải quân Mỹ đặt tại những nơi đó. Trong số này có hai căn cứ lớn của Mỹ tại Quantico, bang Virginia, bên bờ Đại Tây Dương, và tại San Diego, bang California, nhìn ra Thái Bình Dương. Theo nhận định của IHS Jane, việc nâng cấp căn cứ hải quân sẽ cho phép Hải quân Indonesia tăng cường sự hiện diện tại vùng Biển Đông và Eo Biển Sunda.

Theo các nhà quan sát, Indonesia không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông đã lấn vào một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Jakarta. Những hoạt động của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua, dùng sức mạnh đánh tháo cho tàu cá Trung Quốc bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ trong khu vực, đã khiến Jakarta giận dữ, với hệ quả là kế hoạch đã có từ lâu về việc tăng cường lực lượng tại Natuna, đã được thúc đẩy mạnh mẽ.

TTXVN/Tin Tức
 Sóng gió quan hệ Mỹ - Philippines thời ông Duterte
Sóng gió quan hệ Mỹ - Philippines thời ông Duterte

Trung tâm An ninh Mới (CNAS) - một cơ quan nghiên cứu có uy tín của Mỹ - mới đây đăng bài viết của hai chuyên gia Patrick M. Cronin và Anthony Woon Cho phân tích về mối quan hệ Mỹ - Philippines.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN