Theo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (BTL CSB) xác định phải quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chiến lược này, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, năng lực thực thi pháp luật trên biển, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Những năm tiếp theo dự báo tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; căng thẳng thương mại giữa các nước lớn có thể dẫn đến xung đột cục bộ; các thách thức về an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng.
Cùng với đó, tình hình tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích của các quốc gia liên quan đến vùng biển nước ta cũng được dự báo sẽ diễn biến ngày càng phức tạp với các tình huống mới tác động toàn diện, sâu sắc đến mọi mặt của đất nước.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang có thể gia tăng với những phương thức, thủ đoạn mới. Tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy, BTL CSB xác định cần phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo, mệnh lệnh về bảo vệ biển, đảo, trong đó có Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia” (Chiến lược); tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược cho các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chủ trì các cấp.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, trong thời gian tới, lực lượng CSB tiếp tục tập trung xây dựng Đảng bộ CSB Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc được Chiến lược chỉ rõ. Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Vì thế, thực hiện tốt nội dung giải pháp này là vấn đề cơ bản, then chốt, quyết định trực tiếp đến hiệu quả thực hiện Chiến lược của CSB Việt Nam trong thực tiễn.
Theo đó, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng cần nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị và chức trách nhiệm vụ của cá nhân; mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.
Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, hướng vào trọng tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược, nhất là nhiệm vụ mới, khó, khắc phục khâu yếu, mặt yếu.
Đồng thời, gắn việc quán triệt, tổ chức thực hiện Chiến lược với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” với chuẩn mực, tiêu chí cụ thể, phù hợp với chức trách của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, đối với cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp phải tích cực nghiên cứu, nắm vững nội dung của Chiến lược, nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương và đơn vị; đổi mới phương pháp, tác phong công tác theo hướng linh hoạt, khoa học, hiệu quả; đề cao trách nhiệm, nói đi đôi với làm, chủ động nêu gương; luôn bám sát đơn vị, tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ.
Đây là yêu cầu cơ bản, quan trọng hàng đầu trong thực hiện Chiến lược. Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao về nhận thức, hành động của cán bộ, chiến sĩ CSB và nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, nhất là ngư dân, thuyền viên - những người thường xuyên hoạt động trên biển. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị CSB cần chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các lực lượng chức năng trong và ngoài Quân đội để cùng triển khai Chiến lược một cách đồng bộ, quyết liệt, toàn diện; tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp, thực chất, sát tình hình, đạt hiệu quả.
Về nội dung, đảm bảo toàn diện, đồng bộ, trọng tâm là làm cho các đối tượng nắm vững vị trí, vai trò của Chiến lược, nhất là các mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ biên giới quốc gia của Đảng trong tình hình mới.
Về phương pháp, tiến hành thường xuyên, liên tục; kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức hội nghị quán triệt với giáo dục thường xuyên, theo chuyên đề, chủ đề và đối tượng. Đồng thời, phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng, hệ thống thiết chế văn hóa của đơn vị, cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương; gắn quán triệt Chiến lược với phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện….
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tuyên truyền Luật CSB Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22/8/2019, mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” và cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”; công tác đối ngoại, giao lưu với cảnh sát biển các nước có liên quan.
Cùng với đó, các cấp cần phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đối với cán bộ chủ trì, chủ chốt theo quy định. Qua đó, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân thấy rõ việc quản lý, xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, Chính phủ và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, “Mỗi người dân biên giới biển là một cột mốc sống”; lực lượng CSB Việt Nam giữ vai trò nòng cốt, chuyên trách về thực thi pháp luật trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên vùng biển nước ta.