Rong biển dạt vào bờ biển Quảng Bình là hiện tượng tự nhiên

Rong biển dạt vào dày dặc trên bờ biển Quảng Bình những ngày qua. Báo chí có thông tin cho rằng ô nhiễm môi trường là nguyên nhân nhưng theo chính quyền và người dân địa phương, đây là chuyện theo mùa.


Rong biển dạt vào bờ dày đặc. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Trao đổi về vấn đề rong biển trôi dạt dày đặc vào bờ biển các xã Quảng Phú, Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra và kết luận rong biển dạt vào bờ là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Đây là chu kỳ của rong biển, không có một tác nhân hay ảnh hưởng môi trường nào tạo nên. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã Quảng Đông và Quảng Phú tiến hành thu dọn để đảm bảo vệ sinh và cảnh quan bờ biển.

Ông Lê Nhẫn, 84 tuổi, ở làng Nam Lãnh, xã Quảng Phú, người nhiều năm gắn bó với vùng biển bãi ngang này đã dẫn phóng viên tới bờ biển bãi san hô và cũng là nơi có rong biển trôi dạt nhiều nhất trong vùng. Ông Nhẫn cho biết: Rong biển có từ tháng Chạp, đến tháng 2 tháng 3 thì rong bắt đầu tốt, lúc đó các loài cá như cá tho, cá bôi vào sinh sống và đẻ trứng. Đến tháng 5 thì rong biển bắt đầu rữa và chết, khi gặp gió nồm sẽ dạt vào bờ, gió nam thì dạt ra khơi; nó dạt vào đầy rẫy và dày đặc. Ngày xưa, người dân thường ra lấy về làm phân bón ruộng.

Hiện tượng rong biển trôi vào bờ biển là hoàn toàn tự nhiên. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Tại bãi biển, rong biển trôi dạt vào bờ tạo thành từng lớp, bám vào những dãy rạn đá biển tạo thành từng lớp màu xanh bao phủ. Nhưng lượng rong biển dày đặc cũng không ảnh hưởng đến môi trường nơi đây. Vì khi gặp nắng nóng khoảng 3-5 ngày rong biển tự khô, bị vùi lấp và tiêu trong cát biển.

Những người lớn tuổi trong làng Nam Lãnh, xã Quảng Phú cho biết hiện tượng rong biển trôi vào bờ biển là hoàn toàn tự nhiên. Ông Lê Văn Thương, năm nay gần 82 tuổi, đã gắn bó cả đời với vùng biển bãi ngang này và các con của ông hiện nay cũng theo nghiệp của cha đang bám biển nuôi sống gia đình.

Theo ông Thương: Từ tháng 1 đến khoảng tháng 6 thì rong biển phát triển, đến khoảng tháng 7 theo dòng nước chảy mạnh, rong biển trôi đi và dạt vào bờ nhưng cũng không có gì nguy hiểm. Rong biển ở cách bờ khoảng 2 km sẽ dạt vào bờ, còn xa hơn sẽ theo dòng nước trôi đi nơi khác.

Rong biển dạt vào bờ dày đặc cũng tạo điều kiện cho nhiều người có thêm thu nhập. Những năm gần đây, sau khi hái rong biển, người dân đưa vào bờ để phơi và nhập cho thương lái ngay trong ngày. Đầu năm nay, những người chuyên lấy rong biển đã chuẩn bị phương tiện để lấy rong nhưng nhiên do hiện tượng cá chết hàng loạt, ô nhiễm môi trường biển nên thương lái không thu mua, người lặn lấy rong biển cũng không dám ra biển. Anh Lê Văn Trọng chia sẻ: Mùa rong biển những năm trước, hai vợ chồng thu được 1 triệu/ngày, giờ bị ô nhiễm môi trường và cũng sợ nguy hiểm nên không đi nữa.

Tuy nhiên việc tận thu rong biển cũng khiến sinh thái biển bị ảnh hưởng, cá biển không có nơi đẻ trứng. Trước tình hình đó, năm 2014 UBND huyện Quảng Trạch đã phối hợp với Đồn biên phòng Roòn cấm các tổ chức, cá nhân lấy rong biển, tuy nhiên người dân vẫn đi lấy rong biển...

Đức Thọ (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế thiệt hại gần 135 tỷ đồng do cá chết
Thừa Thiên - Huế thiệt hại gần 135 tỷ đồng do cá chết

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 4/7 đã tổ chức đánh giá lại thiệt hại do sự cố môi trường biển, tìm biện pháp hỗ trợ ngư dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN