Tiến sỹ Takashi Hosoda trả lời phóng viên TTXVN. Ảnh: Ngọc Mai |
Ngày 5/8, phóng viên TTXVN tại Praha đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Takashi Hosoda, giảng viên về luật quốc tế tại Trường Đại học Tổng hợp Charles (CH Séc), về phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan).
Tiến sỹ Hosoda đánh giá phán quyết của PCA bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là “bước đi mang tính lịch sử” trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phán quyết của PCA thể hiện tiếng nói của cộng đồng quốc tế, các bên liên quan cần phải tôn trọng và thực thi phán quyết này.
Theo Tiến sỹ Hosoda, phản ứng của Trung Quốc về phán quyết của PCA gây thất vọng đối với cộng đồng quốc tế. Việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA là hành động vô lý. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nước này thách thức các quy định của luật pháp và chuẩn mực quốc tế - những giá trị chung được công nhận và là cơ sở cho việc hình thành và đảm bảo trật tự thế giới từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đến nay.
Mặc dù là nước được hưởng lợi lớn nhất từ hệ thống trật tự thế giới này nhưng Trung Quốc lại đang theo đuổi chính sách đi ngược lại với trật tự đó bằng cách sử dụng sức mạnh, tác động tiêu cực tới quan hệ song phương với các nước láng giềng trong khu vực, làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc ở khu vực và quốc tế.
Tiến sỹ Hosoda nhận định: Hành động bác bỏ phán quyết của PCA khiến Trung Quốc bị cô lập trong cộng đồng quốc tế. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng gần 70 nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong việc bác bỏ phán quyết của PCA nhưng trên thực tế chỉ có 8 nước. Tiến sỹ Hosoda nhấn mạnh, đây là những nước không có bất kỳ sự liên quan nào đến tranh chấp ở Biển Đông và đang mong muốn nhận được tài trợ từ phía Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… cần thể hiện trách nhiệm trong việc thúc đẩy thực thi phán quyết của PCA bằng các biện pháp hòa bình. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của cộng đồng quốc tế. Một mặt, cần gia tăng sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao đối với Trung Quốc trong việc tuân thủ và thực thi phán quyết của PCA. Mặt khác, cần tăng cường sự hợp tác và hỗ trợ đối với các nước trong khu vực nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.