Phân định ranh giới quản lý hành chính biển đảo trên 28 tỉnh, thành phố

Cục trưởng Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam Phan Đức Hiếu cho biết, từ tháng 10/2017 đến hết tháng 12/2017, Cục xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo trên phạm vi 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Ngày 19/9, tại Hội nghị “Phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo Việt Nam” do Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam tổ chức, Cục trưởng Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam Phan Đức Hiếu cho biết, trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo đối với các cấp, từ tháng 10/2017 đến hết tháng 12/2017, Cục xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo trên phạm vi 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Cục trưởng Cục Đo đạc Phan Đức Hiếu. Ảnh: monre.gov.vn

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành hiệp thương thống nhất xác định đoạn địa giới hành chính từ điểm địa giới cuối cùng trên đất liền đến đường mép nước biển thấp nhất, từ đường mép nước biển thấp nhất đến đường cơ sở theo phương án xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo; phối hợp với các đơn vị thi công rà soát đường mép nước biển thấp nhất.

Theo đó, Cục chuyển vẽ đường mép nước biển thấp nhất từ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:50.000 lên bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 hệ tọa độ quốc gia VN-2000 dùng để xác định đường địa giới hành chính từ điểm địa giới cuối cùng trên đất liền đến đường mép nước biển thấp nhất. Cục sẽ rà soát, chỉnh lý đường mép nước biển thấp nhất trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 để cung cấp cho địa phương tính diện tích phần đất liền và tính diện tích mặt nước biển cho các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh.

Một số nội dung cần xác định như đường địa giới hành chính cấp xã, huyện, tỉnh từ điểm địa giới cuối cùng trên đất liền theo kết quả thực hiện Dự án 513 (Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”) tại các địa phương đến đường mép nước biển thấp nhất; đường ranh giới quản lý hành chính, vị trí các điểm đặc trưng cấp xã, huyện, tỉnh từ đường mép nước biển thấp nhất đến đường cơ sở; lập bộ bản đồ gốc thực địa xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo; biên tập và in hồ sơ, bản đồ xác định ranh giới quản lý hành chính các cấp trên biển, đảo để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Việc xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo giữa các địa phương, xác định phạm vi các đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác trên vùng biển Việt Nam sẽ được sử dụng các loại bản đồ. Khu vực dải ven bờ, sử dụng bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2.000; 1:5.000; 1:10.000 hệ tọa độ quốc gia VN-2000 để xác định đường địa giới hành chính từ điểm địa giới cuối cùng trên đất liền ra đến đường mép nước biển thấp nhất, đồng thời là điểm khởi đầu của đường ranh giới quản lý hành chính trên biển, đảo đến đường cơ sở.

Khu vực trên biển, sử dụng bản đồ địa hình địa hình tỷ lệ 1:50.000 và bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000. Riêng khu vực từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Kiên Giang tạm thời sử dụng bản đồ tỷ lệ 1:250000, sau đó chỉ làm trên bản đồ 1:50.000.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Phân định ranh giới quản lý, tránh phát sinh 'điểm nóng' trên biển
Phân định ranh giới quản lý, tránh phát sinh 'điểm nóng' trên biển

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hải Phòng liên tiếp xảy ra những vụ việc tranh chấp giữa các hộ nuôi ngao và các doanh nghiệp khai thác cát do chưa có phân định rõ ràng về ranh giới quản lý trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN