Bình Thuận với bờ biển dài 192 km, diện tích vùng lãnh hải 52.000 km2; toàn tỉnh có 7/10 huyện, thị, thành phố với 36 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới biển; có huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý về hướng Đông Nam diện tích trên 18 km2, trong đó có đảo Hòn Hải là điểm để xác định đường cơ sở của vùng biển Việt Nam.
Toàn tỉnh có 4 cảng lớn (Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi, đảo Phú Quý) và một cảng cấp quốc gia đang xây dựng là Vĩnh Tân, nhằm phục vụ cho tàu cá tránh trú bảo và giao thương hàng hải quốc tế. Hằng năm, mật độ tàu thuyền khai thác ở ngư trường Bình Thuận lớn, ngoài hơn 7.800 tàu, thuyền trong tỉnh còn có gần 6.000 lượt tàu thuyền của các tỉnh từ Đà Nẵng đến Kiên Giang tham gia khai thác. Sản lượng trung bình trên 400.000 tấn/năm tạo việc làm cho hơn 38.000 lao động biển.
Ngư dân tham quan tìm hiểu tàu cá đánh bắt xa bờ được làm bằng composite tại cảng Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Để triển khai hiệu quả Đề án “Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo”, tỉnh đã chỉ đạo 3 lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn thị xã La Gi về chống xuất cảnh trái phép bằng đường biển, công tác bảo vệ an ninh an toàn các công trình, tuyến đường ống dầu khí dưới biển; quản lý chặt chẽ người nước ngoài đến tham quan, du lịch, cư trú, lao động người nước ngoài trong khu vực biên giới biển.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã triển khai kế hoạch bảo vệ biên giới, khu vực tiếp giáp, bảo vệ vùng biển năm 2016; ký kết Kế hoạch hiệp đồng với Hải đoàn 18 về tổ chức sử dụng lực lượng chống buôn lậu, xăng, dầu, than, khoáng sản trên biển; Quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 trong thực hiện nhiệm vụ, quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự trên vùng biển của tỉnh…
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, qua một năm thực hiện Đề án “Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo”, bước đầu đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo, nhận thức chính trị của cán bộ, nhân dân trong tỉnh về chủ quyền biển, đảo được nâng lên, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, thể hiện rõ vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang. Do vậy, tình hình an ninh trật tự tuyến biển, đảo trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo, ổn định, đạt được mục tiêu, yêu cầu của Đề án.
Năm 2016, toàn tỉnh đã củng cố và kiện toàn được 235 tổ đoàn kết khai thác trên biển với 2.248 thuyền, duy trì 6 tổ hợp tác với 6 tàu tham gia tổ, đội, hợp tác xã khai thác hải sản; 4 nghiệp đoàn khai thác hải sản được duy trì nhằm bảo vệ người lao động khi có những vấn đề phát sinh trong quá trình đánh bắt, góp phần hình thành và phát triển các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo và bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
Bình Thuận đã xây dựng 135 “tổ tự quản an ninh trật tự” với 1.082 thành viên tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Song song đó, các đơn vị đã tổ chức 245 buổi với 22.453 lượt quần chúng nhân dân để phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến an ninh trật tự tuyến biển, đảo.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí đã được chú trọng, phát hiện, nhắc nhở 23 lượt tàu cá của tỉnh vi phạm hành lang an toàn các công trình dầu khí khi khai thác hải sản; đã thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo tại 5 đơn vị tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản, 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ven biển đều có ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về khai thác tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước và bảo vệ môi trường, thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ.
Năm 2017, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp. Để triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án “Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo” trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện, đánh giá và dự báo tình hình, đề xuất các nội dung, giải pháp nhằm hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh trật tự vùng biển, đảo.
Theo đó, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nâng cao cảnh giác, phát hiện, tham gia đấu tranh phòng chống hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo, đồng thời báo cáo vụ việc, hiện tượng liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cho các cơ quan chức năng biết để có hướng xử lý kịp thời; hướng dẫn các quy định của pháp luật về khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, các biện pháp phòng tránh rủi ro trên biển; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, chính sách tín dụng để khuyến khích ngư dân cải hoán, đóng mới phương tiện để khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình về các tàu cá, ngư dân tại địa phương hoạt động ở các tuyến khơi xa, khu vực biển chồng lấn, ngư trường truyền thống với các nước trong khu vực; phòng chống tình trạng đánh bắt hải sản thông qua môi giới bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài; xác minh ngư dân và tàu cá bị phía nước ngoài bắt giữ, trao trả về địa phương; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp tổ chức môi giới đưa ngư dân, tàu cá ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, các tội phạm buôn lậu, buôn bán người, lừa phụ nữ đưa ra nước ngoài bán vào các tụ điểm hoạt động tệ nạn xã hội.