Nhà báo Milos Krejci trả lời phỏng vấn. Ảnh: Ngọc Mai. |
Ngày 23/3 phóng viên TTXVN tại Praha đã có cuộc trao đổi với nhà báo Milos Krejci, cây bút chuyên về khu vực châu Á, xung quanh việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.
Nhà báo Milos đánh giá: Tình hình Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới, đang gia tăng căng thẳng. Nguyên nhân chính là do các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đã và đang bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông như xây dựng sân bay, triển khai tên lửa, hệ thống radar tới các khu vực này… Trung Quốc đang biến các đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự nhằm phục vụ cho việc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Các hoạt động của Trung Quốc vi phạm luật pháp cũng như các chuẩn mực quốc tế. Các quốc gia không thể xây dựng và sử dụng các đảo nhân tạo để tuyên bố chủ quyền đối với các vùng nước xung quang, đồng thời sử dụng các biện pháp vũ lực để củng cố các tuyên bố này.
Nhà báo Milos khẳng định cần phải đảm bảo an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Đây là nguyên tắc mà các nước liên quan trong khu vực cần tôn trọng khi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Với vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông, nếu các tuyến hàng hải qua khu vực này bị phong tỏa thì sẽ tác động rất nghiêm trọng không chỉ đối với khu vực mà còn đối với cả nền kinh tế thế giới.
Về biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhà báo Milos nhấn mạnh: Các quốc gia cần giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực sẽ không phát huy tác dụng, ngược lại khiến căng thẳng tiếp tục leo thang, đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần tham gia tích cực hơn trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù vậy, hiện châu Âu đang phải đối phó với nhiều thách thức nội khối như khủng hoảng nhập cư, chủ nghĩa khủng bố… nên việc thể hiện vai trò ở khu vực Biển Đông bị hạn chế. EU cần hỗ trợ các nước liên quan trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình như ra tuyên bố và có các hành động ủng hộ việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua các cơ chế khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, đồng thời tránh tham gia hoạt động có nguy cơ gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trong bối cảnh hiện nay các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… sẽ tiếp tục là các đối tác quan trọng trong hợp tác giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.