Tại huyện Đất Đỏ, toàn huyện có 214 tàu cá và 735 thuyền, thúng máy “3 không”. Đây là phương tiện chính để kiếm sống của ngư dân. Các tàu cá "3 không" chủ yếu thuộc nhóm tàu chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động khai thác ven bờ, tập trung tại xã Lộc An và thị trấn Phước Hải… Vì vậy, việc không đăng ký, không đăng kiểm và không cấp phép không chỉ gây khó khăn cho địa phương trong quản lý tàu thuyền mà ngay đối với ngư dân cũng cảm thấy bất an khi ra khơi đánh bắt.
Anh Phan Quốc Thạnh, ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ vui mừng khi vừa nhận được giấy chứng nhận đăng ký tàu cá từ Chi cục Thủy sản tỉnh. Tàu cá của ông mua lại của người quen từ nhiều năm trước không có giấy tờ gì hợp pháp, bị liệt vào danh sách tàu cá “3 không” của tỉnh, nhiều tháng qua tàu cá của gia đình ông phải nằm bờ không được ra khơi đánh bắt. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh nên tàu cá của gia đình ông đã được cấp giấy tờ hợp lệ. “Giờ cấp số, cấp giấy tờ hợp lệ rồi rồi gia đình tôi cũng yên tâm hơn. Chúng tôi có thể yên tâm hoạt động bám biển”, ông Thạnh vui mừng chia sẻ.
Để hỗ trợ cho những tàu này đủ điều kiện ra khơi, huyện Đất Đỏ đã thành lập các đoàn công tác đến bến neo đậu như khu kè biển xã Lộc An để hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận tàu cá. Đến nay, tại các khu vực như xã Lộc An và thị trấn Phước Hải, 100% chủ tàu “3 không” đã được khảo sát, đo đạc hoàn tất thủ tục và chờ được cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ thông tin, ngoài việc hỗ trợ hoàn tất thủ tục cấp giấy phép khai thác, địa phương đã phối hợp với các ngành như Chi cục Thủy sản, Biên phòng, các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền cho người dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đề ra như khai thác đúng tuyến, đúng vùng, đúng loại tàu.
Tại huyện Long Điền, các xã Phước Hưng, Phước Tỉnh và thị trấn Long Hải cũng đẩy mạnh đăng ký cho tàu cá “3 không”. UBND các xã đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND các địa phương làm tổ trưởng, cùng các cán bộ thủy sản, nông nghiệp và tư pháp để hỗ trợ ngư dân. Tổ công tác có nhiệm vụ tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và các quy định liên quan, đồng thời giúp ngư dân hoàn thành các thủ tục đăng ký và đăng kiểm theo đúng pháp luật.
Đến nay, các xã đã hoàn tất việc khảo sát và đo đạc cho 101 tàu cá “3 không” và đang hỗ trợ ngư dân hoàn thành các bước còn lại để cấp giấy chứng nhận đăng ký. Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho biết, xã đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản tỉnh và các cơ sở đăng kiểm để đảm bảo ngư dân có thể hoàn tất quy trình đăng ký, đăng kiểm một cách thuận lợi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc tập trung triển khai hoàn thành đăng ký, đăng ký tạm thời đối với các tàu cá “3 không”. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU, khắc phục khuyến nghị của EC trong quản lý đội tàu cá, nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC. Đây cũng là dịp để huyện tổng kiểm tra, đánh giá đúng tình trạng kỹ thuật tàu cá phát sinh, tồn đọng chưa đăng ký chuẩn bị cho bước đăng ký chính thức theo quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến ngày 5/10/2024, toàn tỉnh đã đăng ký cho 1.140 tàu cá “3 không”, kiểm tra thực tế được khoảng 700 tàu và hỗ trợ chủ tàu kê khai thuế trước bạ để hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, các cán bộ đã làm việc liên tục, kể cả cuối tuần, để đảm bảo ngư dân được hỗ trợ tối đa trong việc hoàn thành thủ tục đăng ký tàu cá. Cục Thuế tỉnh cũng đã miễn lệ phí trước bạ cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cấp phép.
Theo kế hoạch của Chi cục Thủy sản tỉnh, trước ngày 30/12/2024, tất cả các tàu “3 không” sẽ có giấy phép hợp lệ, sẵn sàng hoạt động tuân thủ quy định và đóng góp tích cực vào nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU.