Theo đó, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, tổ chức rà soát lại các trang thiết bị, khí tài, phương tiện đã được biên chế. Các đơn vị tuyến biển, đảo, ven biển lồng ghép nội dung huấn luyện bơi lội, đi biển, cứu nạn, xử lý các tình huống trên biển… vào huấn luyện thường xuyên hàng năm; xây dựng phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Triển khai kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai luyện tập, bố trí tàu thuyền, phương tiện, các dụng cụ hỗ trợ khác vào vị trí trọng yếu, bảo đảm cơ động khi có lệnh; duy trì nghiêm các chế độ trực, kịp thời nhận và thông báo tình hình thời tiết đến bà con ngư dân đang làm ăn trên biển để cùng có phương án phòng tránh mưa giông, bão an toàn. Bên cạnh đó, các đơn vị duy trì công tác luyện tập phòng, chống bão, cứu hộ, cứu nạn, góp phần tạo tính cơ động, chuyên nghiệp cho chiến sĩ trẻ, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị.
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tích cực tuyên truyền tới ngư dân về chủ quyền biên giới biển, đảo và quy định của Nhà nước trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. |
Thượng tá Đặng Văn Việt, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Gành Dầu, huyện Phú Quốc cho biết, địa bàn đơn vị phụ trách có vùng biển rộng, bờ biển dài, nhiều phương tiện vào neo đậu, nhiều lồng bè nuôi cá của bà con địa phương. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với sự an toàn của người dân, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nêu cao cảnh giác, nâng cao ý thức, tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình; thường xuyên bố trí các kíp trực, quân số đảm bảo tại địa bàn trọng yếu, có phương án, kế hoạch chặt chẽ để xử lý tình huống khi có lệnh. Đơn vị thường xuyên luyện tập các bài cứu nạn, theo dõi sát tình hình thời tiết, kịp thời thông tin đến ngư dân, khi có giông bão để kịp thời xử trí.
Các đơn vị chủ động phối hợp với Cảnh sát đường thủy, Hải quân Vùng 5, Cảnh sát biển biển 4, chính quyền địa phương… tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát tại các cửa sông, vùng biển; kiểm tra nghiêm ngặt các nội quy quy định về an toàn hàng hải; kiên quyết xử lý, không cho xuất bến đối với những phương tiện thủy ra khơi, vận chuyển hành khách không mang theo phao cứu sinh, không giấy chứng nhận, bằng lái tàu. Từ đầu tháng 3/2017 đến nay, các đơn vị trên tuyến đã tổ chức hơn 50 buổi diễn tập với hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia. Các đơn vị tổ chức truyền truyền vận động bà con chấp hành luật an toàn đường thủy, quy định về đi biển và không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đại tá Bùi Minh Trí, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, ngoài việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đơn vị đã thành lập được trạm tìm kiếm, cứu hộ, giảm nhẹ thiên tai thường trực ở vùng biển Thổ Châu, huyện Phú Quốc. Đây là vùng biển rộng, thường có giông, bão. Trạm được trang bị tàu cứu hộ chuyên dùng, có công xuất lớn, vận hành trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn. Đơn vị còn chỉ đạo các tàu Hải Đội 2 (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang), xây dựng lịch trình tuần tra, kiểm soát, không bỏ trống địa bàn, bảo đảm kịp thời ứng cứu khi nhận được thông tin yêu cầu từ ngư dân; duy trì, nâng cấp máy móc, trang thiết bị, sóng liên lạc giữ các đài canh với ngư dân và ngược lại. Qua đó, giúp ngư dân, người nuôi trồng hải sản được tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng một cách nhanh nhất.