Thượng tá Lê Trần Trung, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm vi phạm (Cục Nghiệp vụ và Pháp luật - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết: Thời gian qua, diễn biến thời tiết trên biển hết sức phức tạp, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại thường diễn ra ở vùng biển xa đã gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ và dẫn giải về để điều tra, xử lý.
Đặc biệt trong tháng 5 và 6 năm nay, ở vùng biển ngoài khơi, hoạt động buôn lậu xăng dầu, sang mạn xăng dầu trái phép giữa các tàu có quốc tịch nước ngoài với tàu cá Việt Nam đã diễn ra phức tạp mặc dù dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa dừng lại.
Gần đây nhất, vào khoảng 19 giờ 10 phút ngày 18/6, tại khu vực cách Nam Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 130 hải lý, tổ công tác của Đoàn trinh sát số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) đã phát hiện tàu chở dầu OKI MARU và tàu cá mang số hiệu TG 93799 TS, có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Tiến hành kiểm tra, tổ công tác xác định tàu OKI MARU (quốc tịch Mông Cổ có 10 thuyền viên, trong đó 8 thuyền viên mang quốc tịch Thái Lan, 2 thuyền viên mang quốc tịch Campuchia), đang sang mạn hơn 1.000m3 dầu DO cho tàu TG 93799 TS trên vùng biển Việt Nam.
Qua đấu tranh, thuyền trưởng của hai tàu đều không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp số dầu trên. Tổ công tác đã lập biên bản và phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 dẫn giải tàu về vị trí neo đậu an toàn, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây chỉ là một trong 42 vụ vi phạm pháp luật trên biển mà lực lượng Cảnh sát biển đấu tranh, bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2020.
Để qua mặt lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, các tàu này thường sang vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước để dễ dàng chạy về vùng biển nước ngoài tránh bị bắt giữ. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp và kinh nghiệm trong đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại trên biển, thời gian qua lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt giữ thành công nhiều vụ án lớn.
Thượng tá Lê Trần Trung cho rằng, do đặc thù của hoạt động đấu tranh chống buôn lậu trên biển, để đấu tranh được đối với các đối tượng, yêu cầu phải bắt được quả tang hành vi vi phạm, song hoạt động trên biển phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, hơn nữa trên biển địa hình trống trải, việc tiếp cận khó giữ được bí mật, do đó rất khó khăn cho lực lượng Cảnh sát biển trong đấu tranh với hoạt động này.
Về ban đêm, khi bị tàu Cảnh sát biển truy đuổi thì các phương tiện vi phạm cố tình chạy sang vùng biển nước ngoài, không chấp hành các mệnh lệnh dừng tàu của cơ quan chức năng. Do đó lực lượng Cảnh sát biển phải truy đuổi mất thời gian dài và mất nhiều thời gian để tập trung vây bắt.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, có những vụ việc, lực lượng Cảnh sát biển quyết tâm đuổi bắt bằng được dựa trên lợi thế về phương tiện của Cảnh sát biển đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Hiện nay Cảnh sát biển được trang bị tàu có tốc độ cao, sức chịu sóng gió tốt… nên hoàn toàn có thể trấn áp được các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại mặc dù tội phạm cố tình chạy trốn, cố tình không chấp hành.
Ngoài ra, trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại (nhất là vụ việc có yếu tố nước ngoài) thường phức tạp, liên quan đến nhiều nước và lĩnh vực thương mại quốc tế, giá trị tang vật lớn cũng là những khó khăn nhất định đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ nên quá trình điều tra kéo dài, mất nhiều thời gian.
Thượng tá Lê Trần Trung nhận định: Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hoạt động vi phạm của tàu, thuyền nước ngoài vẫn phức tạp, các đối tượng có nhiều thủ đoạn, phương thức hoạt động mới và ngày càng tinh vi. Nhiều vụ việc diễn ra trên vùng đặc quyền kinh tế, khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và các nước; tàu vi phạm pháp luật đã có những hoạt động manh động (dùng súng quân dụng chống trả lại lực lượng thực thi pháp luật, sẵn sàng chặt đứt dây neo bỏ chạy sang vùng biển nước ngoài…) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực thi nhiệm vụ của lực lương Cảnh sát biển.
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục nâng cao phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thượng mại trên biển; nhất là ccs vùng biển trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ với cá lực lượng chức năng khác trong thực hiện chuyên án, vu án. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu đề xuất nâng cao năng lực trinh sát kỹ thuật Cảnh sát biển.
Sáu tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát biển đã đấu tranh, bắt giữ 42 vụ, xử lý 47 phương tiện với 263 đối tượng. Tang vật thu giữ trên 22.675 tấn than, 4.155 tấn quặng, 1.861.117 lít xăng RON 92, gần 2.598 lít dầu DO… Số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2,4 tỷ đồng.