Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân sản xuất đạt hiệu quả, bảo vệ môi trường biển - đảo quốc gia.
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ môi trường biển, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy sản trên ngư trường là nhiệm vụ trọng yếu, vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương.
Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia, góp phần giữ vững an ninh, trật tự vùng biển đảo. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự vùng biển tại địa phương, triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nuôi trồng, khai thác thủy sản trên ngư trường, bảo vệ và khôi phục tài nguyên, môi trường biển - đảo.
Tàu thuyền cập cảng An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Theo đó, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động ngư dân chấp hành đúng quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên ngư trường, nâng lên ý thức bảo vệ môi trường biển; không vi phạm khai thác, đánh bắt trái phép vùng cấm, khu bảo tồn biển và vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản và bảo vệ môi trường biển kết hợp huy động nguồn lực triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án trên lĩnh vực này.
Ngành chức năng phối hợp với các địa phương ven biển quản lý, kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu cá hoạt động trên địa bàn; rà soát, phân loại số phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm và các loại hình khai thác, đánh bắt tự phát chưa nằm trong danh mục quản lý. Nắm lại số lượng tập thể, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản để quản lý chặt chẽ, phù hợp môi trường sinh thái; chấn chỉnh, xử lý, thu hồi những trường hợp giao, cho thuê không đúng quy định của pháp luật, hoạt động xâm hại môi trường biển; không để xảy ra tình trạng “phân chia bán mặt nước” dẫn đến tranh chấp, xung đột trên biển. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vào khai thác thủy sản trái phép trong khu vực nuôi trồng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người nuôi trồng thủy sản trên biển.
Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị lực lượng chức năng tăng cường hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý tình huống tranh chấp, vi phạm ngư trường; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự xảy ra trên biển, nhất là xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất khai thác hải sản, hủy hoại môi trường biển, hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Kiên quyết không cho ra biển đối với những tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm và hoạt động trái ngành nghề đăng ký.
UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng, triển khai thực hiện đề án bảo đảm an ninh, trật tự trên biển phục vụ phát triển kinh tế biển của tỉnh. Trước mắt, ban hành quy chế phối hợp trong xử lý tình huống tranh chấp, xung đột trên biển, không để phát sinh thành “điểm nóng”, nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và địa phương trong xử lý các vụ việc phức tạp phát sinh, bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên vùng biển thuộc quyền quản lý của tỉnh. Tăng cường kinh phí, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thủy sản, bảo vệ môi trường biển đảo.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian gần đây, tình hình an ninh, trật tự trên vùng biển có nhiều diễn biến phức tạp. Tàu thuyền của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử phạt và tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Kiên Giang còn xảy ra. Hoạt động khai thác thủy sản, với một số ngành nghề chồng lấn như lưới cào, bẫy ốc mực… xuất hiện tình trạng “phân chia bán mặt nước” diễn ra khá phức tạp, dẫn đến tranh chấp, xung đột gây mất an ninh, trật tự trên biển.
Nghiêm trọng hơn, một số ngư dân có hành vi chống đối người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Tình trạng tranh chấp giữa các nghề khai thác và người nuôi trồng thủy sản ở một số vùng biển ven bờ xảy ra ngày càng nhiều. Sai phạm khai thác thủy sản trên ngư trường ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến môi trường biển, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhất là vi phạm cào bờ, xâm hại vùng cấm khai thác ven bờ, khu bảo tồn biển, sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản ngày càng tinh vi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hàng ngàn phương tiện khai thác thủy sản trên ngư trường trên 16 tỷ đồng.
Nằm trong vùng biển Tây Nam bộ, vùng biển Kiên Giang có diện tích 63.290 km ² , có 5 quần đảo là An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc, với hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc. Vùng biển này có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghề cá, nhất là các nghề khai thác thủy sản, với sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng 500.000 tấn. Ngoài nguồn lợi cá, tôm, mực, cua, ốc các loại, biển Kiên Giang còn có một số loài động vật biển quý hiếm như: bò biển, rùa biển, cá heo, đồi mồi… được xếp là ngư trường trọng điểm của nghề cá cả nước. Ngoài ra, với hệ sinh thái đặc trưng là rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô, vùng biển Kiên Giang cũng được xếp vào loại đa dạng sinh học cao.
Những năm gần đây, đoàn tàu cá của Kiên Giang phát triển khá mạnh, tàu thuyền đóng mới công suất lớn đảm bảo vươn ra khơi xa tăng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh này khai thác hải sản xa bờ, giảm dần áp lực đánh bắt thủy sản ven bờ, gây suy kiệt nguồn lợi cá tôm, ảnh hưởng xấu môi trường ven biển. Đến cuối tháng 10/2016, đoàn tàu cá của tỉnh quản lý, đăng ký là 10.477 chiếc, công suất bình quân 219 CV/tàu, gồm: tàu khai thác xa bờ chiếm hơn 40%, trong đó tàu công suất từ 400 CV trở lên 2.415 chiếc và 285 tàu thuyền làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường.
Năm 2017, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển 508.000 tấn. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục vận động, hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để hỗ trợ nhau trong sản xuất trên ngư trường xa bờ. Đào tạo, bổ sung nghề biển cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên. Tăng cường hướng dẫn ngư dân áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác; ứng dụng công nghệ thiết bị khai thác thủy sản tiên tiến để nâng cao năng suất đánh bắt hải sản. Khai thác đi đôi với bảo vệ, khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái biển trên cơ sở không cấp phép đóng mới, giảm dần tàu cá công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ; kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các vi phạm quy định quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là những loại nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định số 89/2015 ngày 7/10/2015 của Chính phủ, về sửa đổi chính sách phát triển thủy sản, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014 về chính sách phát triển thủy sản. Đối với nghề lưới kéo truyền thống tại địa phương, từng bước cải thiện, phát triển nghề này theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển thủy sản, kinh tế biển - đảo của tỉnh. Từ nay đến năm 2020, tỉnh triển khai thực hiện đề án quản lý nghề lưới kéo nhằm giảm tổn thất sản phẩm sau thu hoạch của nghề này xuống dưới 15% so với hiện nay là 40 - 60%; giảm tác động tiêu cực của nghề lưới kéo đến các hệ sinh thái biển như san hô, cỏ biển… kết hợp bảo vệ, khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản và một số loài động vật biển quý hiếm.