Trên huyện đảo Trường Sa, giữa bốn bề biển cả, việc thiếu nước ngọt, thậm chí nhiều đảo không có nước ngọt là chuyện thường ngày. Nguồn nước ngọt bên cạnh từ đất liền mang ra cung cấp thì đều trông vào những cơn mưa. Có khi nhiều tháng không có mưa, các chiến sỹ Trường Sa phải khắc phục khó khăn tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn, góp phần nâng cao sức khỏe, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đất màu được chuyển từ đất liền ra và đựng trong những khay hộp xốp. Boong tàu, nóc lô cốt... những nơi có thể đặt hoặc treo được đều trở thành những vườn rau xanh tốt. Những ngọn rau rền, mùng tơi, lá mơ... và đặc biệt là rau muống vươn xanh trong nắng gió. Các chiến sĩ của chúng ta phải thức đêm, lật nhẹ từng hòn đất, chiếc lá để bắt sâu. Chưa ở nơi đâu con người ta thấm thía câu nói của dân gian như ở đây: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” đến thế. Vườn rau không đơn thuần để cải thiện mà mang hồn Việt. Quê hương luôn hiện hữu bên các anh. Nước để tưới rau phải chắt chiu tiết kiệm từ nước tắm, nước rửa mặt.
Tại đảo chìm Đá Tây, các chiến sỹ chắt chiu từng giọt nước ngọt chăm chút vườn rau nổi trên biển. |
Nhiều loại cây được trồng xanh đến bất ngờ trong điều kiện nắng gió vô cùng khốc liệt. Ở đảo Nam Yết, những cây nhàu xanh biếc, các chiến sĩ của chúng ta vẫn sao lên và đun nước uống và gọi là “cafe”. Những cây đu đủ lá héo rũ nhưng chùm quả vẫn chín vàng. Đàn chó nhiều và rất thân thiện với khách, hình như chúng cũng thiếu thốn tình cảm, quyến luyến với người. Những chú chó còn là tai mắt góp phần bảo vệ đảo. Còn ở đảo Song Tử Tây, những chú bò thong dong dưới nắng, các chú ăn cả giẻ rách, thậm chí vải bò mà vẫn béo tròn. Chưa nói đến vô số lợn, gà, vịt...
Những chú bò béo mượt trên đảo Song Tử Tây. |
Mọi người từ đất liền ra thăm đảo Đá Tây đều ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến những chú vịt bơi lội tung tăng và lặn ngụp bắt cá trên biển như ở ao nhà. Để biến những chú vịt nước ngọt trở thành những chú vịt nước mặn, ngay từ khi vịt con mới nở, các chiến sỹ đảo Đá Tây đã thả chúng vào những chậu nước có độ mặn nhất định rồi thả xuống biển cho chúng quen dần với sóng. Sau đó tăng độ mặn dần lên, dần dần những chú vịt thích nghi với biển, bơi lội trên sóng bắt cá như ở ao làng.
Không sao kể hết sự sáng tạo và lao khổ của cán bộ chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa tăng gia trồng rau và nuôi dưỡng gia súc, gia cầm... Chỉ biết rằng đó là biểu hiện của tinh thần bất khuất của dân tộc, của sự thông minh sáng tạo của những cán bộ, chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa.
Bài và ảnh: Trần Vân Hạc