Thành phố Hồ Chí Minh: Phẫu thuật ghép gan thành công cho nhiều bệnh nhi

Ngày 16/12, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, sau 2 năm triển khai ghép gan trẻ em, đơn vị này đã thực hiện thành công 12 ca ghép gan cho trẻ em, mang lại cơ hội sống cho các bé mắc bệnh lý về gan nặng.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phẫu thuật ghép gan cho trẻ em. Ảnh: TTXVN phát

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tháng 12/2021, thời điểm dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Dược đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thành công ca ghép gan trẻ em đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Ca ghép gan này được thực hiện hoàn toàn bởi đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam, không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia nước ngoài. Thành công của ca ghép đã mở ra nhiều hi vọng hơn cho các bệnh nhi chờ ghép gan.

Trước đó, vào tháng 10/2021, ê-kíp ghép gan của Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia chương trình đào tạo trực tuyến về ghép gan trẻ em từ các giáo sư của Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển trẻ em (Tokyo, Nhật Bản). Tiếp nối thành công ban đầu, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hợp tác với các chuyên gia để thực hiện thường quy phẫu thuật ghép gan trẻ em tại bệnh viện. Đến nay, đơn vị này đã thực hiện 12 ca ghép gan trẻ em. Đa số các bé phục hồi tốt, tiếp tục tái khám và theo dõi định kỳ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và Ghép gan, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 2 năm triển khai, lĩnh vực ghép gan trẻ em tại bệnh viện đã được cải thiện đáng kể, các bệnh nhi tái khám trong tình trạng ổn định, được đến trường và phát triển rất tốt. Có thể thấy, đến nay các bác sĩ Việt Nam đã có thể tự chủ kỹ thuật này, các bệnh nhi đã có cơ hội được cứu sống.

Chia sẻ niềm vui sau khi bé L.N.A.L. được ghép gan, chị N.T.N.L. (ngụ tại tỉnh Vĩnh Long) – mẹ của bé cho biết, hành trình để con mình được ghép gan không dễ dàng vì thời điểm đó dịch bệnh phức tạp, thể trạng của bé yếu ớt và thiếu cân. Tuy nhiên, chính sự tự tin của các bác sĩ đã tiếp thêm niềm tin cho gia đình để có được quyết định đúng đắn. Sau khi ghép gan, bé hồi phục rất nhanh và đến nay đã có thể khỏe mạnh hơn, phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

Trong thời gian tới, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tiếp nhận, thực hiện ghép gan và theo dõi, chăm sóc lâu dài cho các bệnh nhi. Bên cạnh đó, Bệnh viện tiếp tục đào tạo, huấn luyện và hợp tác với các chuyên gia nhằm mang đến hiệu quả điều trị tối ưu cho các bệnh nhi, là điểm tựa cũng như niềm tin cho gia đình, bệnh nhi.

Giáo sư Mureo Kasahara, Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển trẻ em đánh giá, các y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có trình độ, kỹ năng rất tốt và ham học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể làm chủ được kỹ thuật và thực hiện được nhiều ca ghép gan đạt hiệu quả cao. Ông cam kết: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để giúp cho lĩnh vực ghép gan tại Việt Nam ngày càng phát triển".

Đinh Hằng (TTXVN)
Thực hiện thành công ca ghép gan không cùng nhóm máu
Thực hiện thành công ca ghép gan không cùng nhóm máu

Lần đầu tiên ca ghép gan không cùng nhóm máu từ người cho, được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bà nội (57 tuổi) đã hiến gan cho cháu gái 15 tuổi. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục. Đây ca ghép bất đồng nhóm máu đầu tiên trong số 205 ca ghép gan được thực hiện tại bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN