Trước đó, ngày 18/9, bà L.T.T nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng hạ vị, tiểu khó, tiểu ra máu. Bà L.T.T cho biết, khoảng 4 năm trước, bà được các bác sĩ phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản trái tại một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau phẫu thuật bà được các bác sĩ đặt một ống nhựa (ống sonde dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang một cách trực tiếp, giúp niệu quản có thời gian lành tổn thương sau can thiệp, giảm tình trạng ứ trệ tắc nghẽn nước tiểu) và được các bác sĩ hẹn 2 đến 4 tuần sau tái khám để lấy ống nhựa này ra. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, do thấy hết đau, không còn khó chịu nên bà L.T.T đã quên luôn lịch hẹn với bác sĩ.
Tiến hành kiểm tra, kết hợp với kết quả xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trong cơ thể bệnh nhân có một ống nhựa. Trong đó, đầu dưới của ống nhựa đã tích tụ một viên sỏi kích thước lớn (bằng quả trứng gà), dọc thân ống nhựa có rất nhiều viên sỏi nhỏ bám xung quanh. Các bác sĩ đã chỉ định mổ nội soi để xử lý viên sỏi bàng quang và rút ống nhựa khỏi cơ thể cho bệnh nhân.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã gắp các viên sỏi cùng ống nhựa ra khỏi bàng quang cho bệnh nhân. Tuy nhiên quá trình phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn do ống nhựa nằm trong cơ thể bệnh nhân lâu, có rất nhiều sỏi bám xung quanh, cứng như kim loại. Bên cạnh đó, có rất nhiều viên sỏi bám dính vào niêm mạc niệu quản nên chỉ cần một chút bất cẩn là có thể gây thủng hoặc đứt niệu quản, khả năng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Phước, Phó trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, kíp mổ phải tán nhỏ từng viên sỏi bám xung quanh ống nhựa bằng laser sau đó mới rút ống nhựa ra ngoài. Đây cũng là một trường hợp rất hy hữu, bệnh nhân đã vô tình “quên” lời hẹn với bác sĩ, may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời, không để lại biến chứng nghiêm trọng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và đặc biệt phải thật chú ý, thực hiện đúng các chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, tránh những trường hợp đáng tiếc.