Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2:

Những chiến sỹ áo trắng nơi tâm dịch Hải Dương

Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay là ngày đáng nhớ nhất không chỉ với đội ngũ bác sỹ, y tá, nhân viên y tế tỉnh Hải Dương mà còn là kỷ niệm không thể quên đối với các sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Chú thích ảnh
Các y, bác sĩ chúc mừng 27 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, chiều 26/2.

Trong cuộc chiến đầy cam go với dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua, có được kết quả như hôm nay là sự góp sức không nhỏ của đội ngũ 1.000 cán bộ y, bác sĩ và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, họ - những chiến sỹ áo trắng đã làm việc không kể ngày đêm, tham gia công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm… Niềm vui lớn nhất đối với họ bây giờ, có lẽ là những lần công bố khỏi bệnh và trao giấy ra viện cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Huy động tổng lực

Chỉ sau 22 giờ kể từ khi nhận được lệnh từ Bộ Y tế, với sự phối hợp của đoàn công tác từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được thiết lập tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương với quy mô ban đầu 260 giường, 26 giường hồi sức tích cực, 2 phòng mổ hoàn chỉnh. Chiều 29/1, Bệnh viện đã tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Đến nay, Bệnh viện dã chiến 2 đã nâng công suất lên 660 giường bệnh.

Với sự hướng dẫn của chuyên gia Bộ Y tế, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, đến nay Bệnh viện trường đã xây dựng xong quy trình điều trị, chăm sóc, kiểm soát nhiễm khuẩn... Trường cũng gắn thực hiện nhiệm vụ chống dịch và nghiên cứu khoa học, đảm bảo hoạt động phòng chống dịch theo tính chuyên nghiệp và khoa học hơn.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng và khẩn trương nên Trường đã huy động tổng lực cán bộ, các thầy thuốc của trường, bệnh viện trường để cùng đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai vận hành Bệnh viện dã chiến. Lực lượng sinh viên tình nguyện đã tích cực tham gia hỗ trợ khử trùng, khử khuẩn, vệ sinh buồng bệnh phục vụ công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Các thầy thuốc và y bác sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Suốt gần 1 tháng qua, Bệnh viện dã chiến số 2 đã tiếp nhận 359 bệnh nhân, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là 1 tháng tuổi và lớn tuổi nhất là 93 tuổi. Có 88 bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện. Trong số 11 bệnh nhân nặng, có bệnh nhân phải thở máy, lọc máu nhưng đến nay các bệnh nhân đều đã qua cơn nguy kịch, đang chuyển biến tốt.

Bên cạnh lực lượng phục vụ công tác điều trị tại Bệnh viện dã chiến, giảng viên và sinh viên, Trường còn tham gia hỗ trợ điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, có trên 600 sinh viên tình nguyện hăng hái tham gia phòng chống dịch.

Em Đồng Thị Thư, sinh viên năm thứ ba, khoa điều dưỡng, hiện đang tham gia công việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại Bệnh viện dã chiến số 2 nhớ lại: "Hôm 27 Tết, khi trường họp và thông báo tình hình dịch tại tỉnh, em đã không ngần ngại viết đơn đăng ký và khi đăng ký xong mới gọi điện báo cho bố mẹ". Làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao nhưng nhờ các thầy cô tập huấn và hướng dẫn từ trước, Thư đã nhanh chóng vượt qua lo sợ ban đầu, trong suốt quá trình làm việc, luôn cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe để không bị lây nhiễm.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Thị Diệu Hằng, Ban lãnh đạo Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương thường xuyên động viên, khuyến khích và nhắc nhở các sinh viên thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ cá nhân để không xảy ra lây nhiễm trong khi tham gia các công việc phòng, chống dịch. Cùng với đó, Trường đã triển khai tập huấn trực tuyến cho lực lượng sinh viên chưa tham gia để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được huy động.

Trước yêu cầu truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc, được đề nghị từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương, Trường đã cử một cán bộ lãnh đạo và 40 cán bộ xét nghiệm thay phiên nhau hỗ trợ chuyên môn cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương.

Tiến sĩ - Bác sỹ Trần Quang Cảnh, Chủ tịch Hội đồng Trường là người trực tiếp hỗ trợ chuyên môn công tác xét nghiệm tại CDC Hải Dương chia sẻ: Những ngày qua, mất ngủ là điều thường xuyên với tất cả cán bộ, nhân viên làm xét nghiệm. Còn với sinh viên đi lấy mẫu bệnh phẩm, các em làm liên tục từ sáng, nhiều đêm tới 1-2h sáng".

Công tác xét nghiệm chạy đua với dịch cùng sự tham gia hỗ trợ tích cực từ Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, công suất xét nghiệm tại CDC Hải Dương đã tăng từ 3.000 mẫu/ngày lên 13.000 mẫu/ngày.

Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm tại Bệnh viện của Trường có năng lực xét nghiệm và công suất xét nghiệm hiện đạt khoảng 500 mẫu đơn/ngày, mẫu gộp có thể đạt 2.500 mẫu. Đến nay, Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã xét nghiệm 3.900 mẫu cho bệnh nhân và nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến.

Trọng trách, niềm vui và tự hào

Cũng như bao thầy thuốc trên khắp mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, khi đã chọn khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, các y bác sĩ và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã sẵn sàng đón nhận những áp lực, vất vả mà nghề y mang lại và dịp 27/2 với họ, niềm vui và món quà lớn nhất chính là nụ cười của người bệnh khi được chữa khỏi và trở về nhà an toàn cùng với gia đình.

Ngày 26/2, trong số 27 bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện, bệnh nhân V.Q.H, trú tại phố Ngọc Uyên, phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương xúc động bày tỏ: Lúc đầu khi mới vào viện, tôi rất lo lắng. Suốt hơn 20 ngày qua, nhất là những ngày nằm ở phòng hồi sức, tôi được các y bác sĩ điều trị, chăm sóc không kể ngày đêm, kể cả ngày Tết. Đến nay, khỏi bệnh và được ra viện, tôi rất mừng và xúc động, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn các bác sĩ, những người đã vất vả điều trị cho tôi".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Thị Diệu Hằng chia sẻ: "Chúng tôi luôn xác định mang trên mình trọng trách của người thầy thuốc và người thầy giáo, khi có dịch xảy ra thì thầy và trò trường y là lực lượng xung kích. Vì vậy, năm nay do dịch, không có lễ kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng chúng tôi cũng thấy rất vui và tự hào vì đã đóng góp một phần cùng chung tay chung sức để điều trị các bệnh nhân COVID-19. Mỗi khi có một bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là một niềm vui rất to lớn đối với các y bác sĩ. Sự ghi nhận của bệnh nhân, của cộng đồng đối với những nhân viên y tế là sự động viên, khuyến khích lớn lao đối với những người thầy thuốc. 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Thị Diệu Hằng, việc giáo dục rèn luyện tay nghề và y đức cho thế hệ thầy thuốc tương lai cũng là nội dung được Trường thường xuyên chú trọng để thực hiện được sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Song song với việc cố gắng học tập để giỏi về chuyên môn thì còn phải có cái tâm và luôn coi bệnh nhân như người thân, giúp người bệnh giảm bớt nỗi đau bệnh tật và nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Chung vui và chúc mừng các y bác sĩ trước những thành công trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Thạc sĩ - Bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá, Bệnh viện dã chiến số 2 là một trong những cơ sở điều trị số lượng bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất của cả nước tính đến thời điểm này. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay, Bệnh viện dã chiến số 2 đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân nặng phải hồi sức tích cực cũng đã khỏi hoặc có tiến triển tốt. Với thành công này của đội ngũ các thầy thuốc, nhân dân có thể yên tâm về năng lực điều trị của ngành Y tế.

Bài và ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Hải Dương hỗ trợ trên 50 tấn gạo cho công nhân lao động trong vùng dịch
Hải Dương hỗ trợ trên 50 tấn gạo cho công nhân lao động trong vùng dịch

Ngày 25/2, Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Cẩm Giàng đã trao 22,5 tấn gạo tặng 4.500 công nhân lao động đang trong các khu cách ly phong tỏa của huyện; hỗ trợ 2.000 suất quà gồm các nhu yếu phẩm trị giá 150 nghìn đồng/gói cho công nhân, đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... tại thị trấn Lai Cách, xã Thạch Lỗi và Tân Trường (huyện Cẩm Giàng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN