Đoàn công tác có 295 thành viên, tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động, trong đó có 113 bác sĩ, 2 cán bộ và 180 học viên năm thứ tư. Mang theo nhiệt huyết, tinh thần quyết tâm của người lính và y đức của người thầy thuốc, họ đã lên đường vào Nam tiếp sức cho đồng bào, đồng đội với mong muốn sớm đẩy lùi đại dịch, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.
Tranh thủ kiểm tra lại quân trang trong ba lô trước khi ra sân bay Nội Bài, Trung úy, bác sĩ Đỗ Trung Thành, Lớp Chuyên khoa I Tai Mũi Họng khóa 45, Hệ 1 (Hệ sau đại học) của Học viện cho biết, tinh thần của anh cùng các cán bộ, y bác sĩ, học viên của Học viện xuất quân dịp này đều rất tự tin, mang theo quyết tâm lên đường làm nghĩa vụ với đồng bào mình. Trung úy Thành cũng yên tâm vì vợ và các thành viên trong gia đình đều chia sẻ, ủng hộ công việc của anh. “Y đức đều ở trong trái tim của mỗi người thầy thuốc. Vì miền Nam đang cần chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng làm hết tâm sức của những y bác sĩ áo lính, cùng chung niềm tin chiến thắng đại dịch.”
Ngay từ thời điểm được giao nhiệm vụ, bác sĩ Thành đã được vợ và đồng nghiệp trong đơn vị trao gửi nhiều lời chúc tốt lành. Vợ Trung úy Thành là Đại úy Nguyễn Thùy Linh, hiện đang công tác tại một đơn vị thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng. Gia đình có cả hai vợ chồng trong quân ngũ, hơn ai hết chị Linh thấu hiểu nỗi vất vả của lực lượng Quân đội trên tuyến đầu chống dịch, nhất là những người lính quân y. Dù đang mang bầu 6 tháng và vừa phải đi làm, vừa chăm sóc con nhỏ hơn một tuổi, chị Linh vẫn động viên chồng yên tâm lên đường công tác, trở thành hậu phương vững chắc để anh Thành vững tinh thần thực hiện tốt nhiệm vụ.
Là học viên Hệ sau đại học, Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng vốn là cán bộ quân y của Binh chủng Công binh. Anh cho biết, vợ mình cũng đang bầu tháng thứ 7, nhưng vợ anh và bố mẹ hai bên gia đình đều động viên anh nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. “Đây chính là động lực để tôi thêm quyết tâm chung sức cùng đồng đội giúp người dân các tỉnh phía Nam trở lại cuộc sống bình thường, trong thời gian sớm nhất có thể”, Thượng úy Dũng nói.
Cùng là học viên Hệ sau đại học như Thượng úy Dũng, Thượng tá Lê Thị Nga hiện công tác tại Viện Y học cổ truyền Quân đội. Khắc ghi lời thề Hippocrates thiêng liêng của ngành y, Thượng tá Nga tâm sự, chị may mắn vì các con đã lớn nên có thể tự lập khi mẹ vắng nhà trong thời gian dài, dù chồng chị cũng công tác xa nhà. “Trong tình hình miền Nam đang dịch bệnh căng thẳng, là một quân nhân tôi thấy mình vinh dự khi đứng trong đội ngũ quân y tham gia cùng với ngành y tế đẩy lùi COVID-19”, Thượng tá Nga khẳng định, đồng thời cho rằng với chủ trương tới từng tổ dân phố để hỗ trợ nhân dân, dịp này các tổ quân y sẽ tiếp cận được gần nhất với các ca F0 để giúp họ nhanh chóng điều trị và phục hồi sức khỏe.
Sinh năm 1999, Cao Thị Lân là học viên năm thứ 5 ngành bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y. Mới được nhà trường thông báo kế hoạch lên đường vào tối 20/8 nhưng cô bác sĩ quân y tương lai và các bạn đã nhanh chóng sắp xếp quân tư trang gọn ghẽ. Tất cả đều mong sớm được đem kiến thức ngành y đã học để cứu chữa cho những bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong Đoàn công tác lần này, Lân cùng các bạn là những thành viên có tuổi đời rất trẻ. Lân cho biết, đợt này lớp của Lân đều xung phong lên đường, chỉ trừ các bạn bị ốm: “Lớp tôi có 107 học viên thì có 102 người tham gia chuyến đi vào Nam lần này. Tất cả chúng tôi đều đã được các thầy cô tập huấn rất kỹ, để có thể thực hiện nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến hay các nhiệm vụ khác. Khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn chúng tôi sẽ chia thành các tổ lưu động tới thăm khám, chăm sóc, điều trị cho đồng bào. Cách đây ít lâu, các anh chị khóa trên xung phong đi vào tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang, tiếp bước họ, tôi tự nguyện đăng ký vào Nam để góp sức cho cộng đồng.”
Cùng tuổi và cùng lớp với Cao Thị Lân, học viên Vũ Viết Thắng chia sẻ, lần trước Thắng đã đăng ký tình nguyện tới Bắc Giang chống dịch nhưng chưa có cơ hội. Chuyến công tác lần này, Thắng khẳng định không ngại khó, ngại khổ và sẽ quyết tâm cùng đồng đội “chia lửa” với đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu ở miền Nam.
“Bố tôi là bộ đội nghỉ hưu, mẹ là giáo viên. Trước khi lên đường, tôi gọi điện về nhà, bố mẹ cũng lo lắng, nhưng vì tình hình chung của đất nước, nên bố mẹ và tôi cùng động viên nhau. Bạn gái tôi đang học ở một trường khác cũng chúc tôi lên đường làm tròn nhiệm vụ. Vào trong đó, tôi mong muốn sẽ được tham gia lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ điều trị, tiếp sức cho vùng dịch”, Vũ Viết Thắng tự tin nói.
Là Trưởng Đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Hệ trưởng hệ sau Đại học của Học viện Quân y khẳng định, với tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của người quân nhân, mang trên mình y đức của đội ngũ cán bộ y tế, được vinh dự nhận nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Học viện giao, các cán bộ, y bác sĩ, học viên sẽ quyết tâm đoàn kết, tập trung tinh thần, phát huy tối đa kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khắc phục khó khăn trong mọi tình huống để góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, điểm khác biệt của lần xuất quân này là lực lượng tăng cường sẽ chia thành các tổ quân y lưu động để tới từng tổ dân phố hỗ trợ công tác y tế. Ông cũng cho rằng, đây là cơ hội thực hành lâm sàng quý giá cho các học viên của Học viện và yêu cầu các thành viên Đoàn công tác đều phải phát huy cao nhất tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và những kiến thức đã học được để phục vụ nhân dân.
Trước đó, ngày 20/8, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng đã có công điện hỏa tốc về việc đề nghị Học viện Quân y tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam. Dưới sự chỉ đạo, điều phối của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch phía Nam, Đoàn công tác của Học viện Quân y có nhiệm vụ chủ động hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng cơ động; tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine phòng COVID-19; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao; đồng thời quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường.