Theo ông Phạm Thành Lâm, sau khi cơ quan chức năng nhận được đơn thư của một số bác sỹ, người lao động tại Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng kiến nghị về tình trạng chậm trả lương tại bệnh viện, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Y tế Giao thông vận tải thành lập đoàn kiểm tra bệnh viện.
Ngày 21/6, Đoàn kiểm tra do ông Phạm Thành Lâm là Trưởng đoàn, đã làm việc với bệnh viện. Căn cứ tình hình thực tế, Cục Y tế Giao thông vận tải đã tăng cường 4 bác sỹ, 1 dược sỹ từ các bệnh viện trực thuộc cục về hỗ trợ Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng. Cục cũng yêu cầu bệnh viện triệu tập những người làm đơn xin nghỉ việc tự túc đến đối thoại trực tiếp để nắm bắt tâm tư, tình cảm và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đến sáng 23/6, tất cả các bác sỹ, người lao động xin nghỉ việc tự túc tại Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng đã quay trở lại làm việc. Các bác sỹ được tăng cường đã quay trở lại địa phương.
Liên quan đến việc này, Sở Y tế Hải Phòng đã ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó có việc hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân chạy thận của Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng đến điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế. Bảo hiểm xã hội Hải Phòng cử cán bộ xuống kiểm tra công tác chuyên môn liên quan đến bảo hiểm liên tục trong 3 ngày từ 22- 24/6, sau đó sẽ xây dựng phương án để đảm bảo quyền lợi của bệnh viện, người lao động và bệnh nhân.
Bác sỹ Chuyên khoa II Bùi Hữu Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng, cho biết, ngày 19/6, có 32 bác sỹ, người lao động gửi đơn xin nghỉ việc tự túc với lý do không được trả lương. Bệnh viện chưa kịp xét duyệt thì sáng ngày 22/6, có 18 trường hợp tự ý nghỉ việc.
Bác sỹ Bùi Hữu Hoàng thừa nhận có tình trạng nợ lương tại bệnh viện do mất cân đối thu chi. Từ năm 2019 Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng tự chủ về tài chính nên gặp nhiều khó khăn, nhất là khi xảy ra dịch COVID-19, bệnh nhân đến khám và điều trị rất ít, một số hợp đồng dịch vụ cũng bị dừng lại. Do đó, nguồn thu của bệnh viện bị ảnh hưởng và không có nguồn để trả lương, phụ cấp cho y, bác sỹ. Ngoài nguyên nhân khách quan, bác sỹ Bùi Hữu Hoàng cũng cho rằng lãnh đạo bệnh viện cần tiếp tục thay đổi phương pháp quản lý, bác sỹ, nhân viên tại bệnh viện cần thích ứng, thay đổi cách chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, hướng tới mở rộng triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp để duy trì và phát triển bệnh viện.
Theo bác sỹ Phạm Thị Lê, Trưởng khoa Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng), người lao động trong bệnh viện đã được nhận lương đến hết tháng 2/2020. Bác sỹ Lê mong muốn, Ban lãnh đạo bệnh viện cùng người lao động sẽ đoàn kết, cùng nhau phấn đấu nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, khả năng điều trị, chăm sóc người bệnh để thu hút bệnh nhân, giữ sự ổn định, phát triển cho bệnh viện.
Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng trực thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải). Đây là bệnh viện hạng 3, với quy mô điều trị là 120 giường bệnh, có 4 phòng chức năng và 7 khoa chuyên môn. Hiện có khoảng 90 cán bộ, bác sỹ, người lao động đang làm việc tại bệnh viện.