Hội nghị là diễn đàn chia sẻ các hoạt động nghiên cứu khoa học qua các bài báo cáo từ tổng quan đến nghiên cứu lâm sàng trong lĩnh vực tăng huyết áp và các bệnh đồng mắc nhằm nâng cao công tác dự phòng, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh nhân trong lĩnh vực Tim mạch nói chung và Tăng huyết áp nói riêng.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch thuộc Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: Hội nghị năm nay có chủ đề “Giao thoa tăng huyết áp với các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa”, gồm 26 chuyên đề với sự tham gia báo cáo của gần 170 chuyên gia đến từ các đơn vị chuyên về tim mạch - huyết áp trong cả nước cũng như quốc tế (Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar…).
Hội nghị mở rộng cho các lĩnh vực mới nhất, đang được quan tâm như đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid; cũng như các bệnh đồng mắc như mạch vành, thận mạn, rối loạn nhịp thở. Các biến chứng tăng huyết áp cũng được các nhà khoa học đề cập tới như suy tim, đột qụy não, rối loạn nhịp tim… Đồng thời, trong khuôn khổ Hội thảo, các báo cáo viên đề cập tới các phương pháp mới như di truyền học, triệt đốt giao cảm thận, siêu âm, MRI… và các nhóm thuốc mới như SGLT2i, GLP1RA…
Đặc biệt, Hội nghị còn cập nhật các báo cáo khuyến cáo mới nhất về tăng huyết áp của các hội tim mạch - huyết áp châu Á (HOPE Asia Network), châu Âu (ESC/ESH.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức ra mắt hai đơn vị: Liên Chi hội Tăng huyết áp Đồng bằng sông Cửu Long; đơn vị Nghiên cứu và điều trị chuyên sâu Tăng huyết áp cơ sở 2 tại Cần Thơ về chẩn đoán và điều trị Tăng huyết áp, trụ sở đặt tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Văn Nông, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự kết nối chặt chẽ mạng lưới tầm soát và điều trị tăng huyết áp quy mô toàn quốc. Từ đây, các nghiên cứu khoa học cũng như việc phối hợp điều trị, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tăng huyết áp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được nâng lên, mang lại nhiều lợi ích hơn về chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực.
Thông qua gần 170 bài báo cáo trong Hội nghị, tiêu biểu như: Mối liên quan giữa tăng huyết áp và đái tháo đường (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Sỹ, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh), Tiếp cận điều trị toàn diện tăng huyết áp - bệnh thận mạn - suy tim (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam), Điều trị cao huyết áp: từ lý thuyết đến thực tiễn (Giáo sư Kazuomi Kario, Nhật Bản)… các báo cáo viên đưa ra thực trạng và những cảnh báo về tăng huyết áp trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay.
Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ có tần suất cao nhất trong bệnh lý tim mạch cũng như có biến chứng và tử vong lớn nhất trên thế giới cũng như tại nước ta, đây cũng là gánh nặng ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội toàn cầu do di chứng bệnh tật cũng như chi phí điều trị.
Tăng huyết áp hiện gây ra khoảng 10,8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới và con số này dự kiến sẽ tăng lên do dân số toàn cầu đang gia tăng và già hóa. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp chiếm đến 30,1% ở người trên 18 tuổi. Bất chấp sự sẵn có của các loại thuốc điều trị tăng huyết áp này, dữ liệu toàn cầu cho thấy rằng chỉ hơn một nửa trong số những người tăng huyết áp nhận thức được vấn đề của họ. Hơn nữa, chỉ hơn một phần ba những người được điều trị tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp mục tiêu của họ theo khuyến cáo hiện tại.