Ở đó, họ nỗ lực chạy đua từng phút, thận trọng từng quyết định, vượt qua những sang chấn tâm lý trong quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và mong tất cả bệnh nhân vào viện đều có thể bình an, khỏe mạnh trở về nhà.
Cuộc chiến khốc liệt
21 ngày trực cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Dã chiến số 1 là cuộc chạy đua từng phút cứu người của các y, bác sĩ, trong đó có bác sĩ điều trị Võ Hà Quang Vinh (công tác tại Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang) được điều động vào tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến từ ngày 16/8 -5/9. Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức tích cực cho các ca bệnh nặng, nhưng Bác sĩ Quang Vinh cũng không thể cầm lòng trước cảnh nơi đây. Trên giường bệnh, các bệnh nhân đang đấu tranh, giành giật sự sống từ những hơi thở.
Đêm trực đầu tiên của bác sĩ Quang Vinh và các đồng nghiệp khác đã chứng kiến đến ba bệnh nhân tử vong. Có người chỉ phút trước thở oxy vẫn rất ổn, nhưng phút sau trở nặng và ra đi mãi mãi do bệnh nhân cố nghiêng người để đi vệ sinh, khiến ống thông mũi oxy bị lệch, làm đứt nguồn oxy đưa vào cơ thể. Có những bệnh nhân trong cùng một gia đình đều mắc COVID-19 và tử vong lần lượt ngày hôm trước, ngày hôm sau.
Bác sĩ Quang Vinh kể cũng có nhiều bệnh nhân lạc quan đã vượt qua dịch COVID-19. Qua phim chụp hình ảnh phổi đã trắng xóa, phải thở oxy liên tục nhưng nhờ tinh thần mạnh mẽ, “tham” thở oxy, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch và khỏe mạnh xuất viện. Sau đó, họ còn gửi tặng lại bệnh viện các dụng cụ y tế, thức ăn hỗ trợ cho các y, bác sĩ. Cũng có những bệnh nhân quá đau đớn do cổ khô, rát đỏ, chảy máu khi thở oxy dài ngày, họ từ chối đặt ống dẫn khí để điều trị tiếp.
"Tất nhiên, trong vai trò là bác sĩ, chúng tôi phải luôn có trái tim nóng, đầu lạnh; đồng cảm với nỗi đau của người bệnh nhưng phải làm tất cả để cứu sống họ", bác sĩ Quang Vinh kể.
Mỗi y bác sĩ có 8 tiếng làm việc tại Bệnh viện Dã chiến, sau đó là thời gian nghỉ ngơi để lấy lấy lại sức lực. Thế nhưng không ít người vẫn chấn thương tâm lý do làm việc ở môi trường khả năng lây nhiễm rất cao, áp lực điều trị ở khu bệnh nặng, chỉ nghe tiếng máy thở "píp píp píp" - báo hiệu sự sinh tồn của bệnh nhân, căng thẳng với mỗi quyết định dù nhỏ nhất, bởi sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Dẫu vậy, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đội ngũ y, bác sĩ ở các Bệnh viện Dã chiến vượt lên trên những khó khăn… để ngày đêm đồng hành cùng bệnh nhân chiến thắng COVID-19.
“Những lúc thấy toàn đội mất tinh thần, tôi cố gắng khích lệ mọi người bằng những câu chuyện rất tích cực, vui vẻ. Tôi còn chia sẻ những thông điệp tốt đẹp lên các trang mạng xã hội để người thân và bạn bè yên tâm”, bác sĩ Quang Vinh nói.
Nỗ lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân
Ở Bệnh viện Dã chiến số 7, nơi điều trị bệnh nhân mắc COVID -19 thể nhẹ, không có triệu chứng, bác sĩ chuyên khoa I Lê Bá Nguyễn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, người được tăng cường hỗ trợ từ ngày 7- 28/8 với vai trò là Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 7 phụ trách tổ chức bộ máy bệnh viện với các khâu hậu cần y tế và chuyên môn, kể lại rất nhiều câu chuyện tận tâm của y, bác sĩ trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Tại Bệnh viện dã chiến số 7, bệnh nhân được phân bố theo các cấp độ bệnh, khu bệnh không có triệu chứng, khu bệnh nhẹ. Ngay khi bệnh nhân ở thể bệnh nhẹ chuyển nặng, bệnh viện sẽ bố trí xe và cán bộ chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện dã chiến tuyến trên. Công việc của mỗi y, bác sĩ nơi đây ngoài việc trấn an tâm lý cho người bệnh là các hoạt động thăm khám, tư vấn (trực tiếp, qua điện thoại), làm xét nghiệp và điều trị thuốc theo biểu hiện bệnh.
Có trường hợp bệnh nhân cũ không đồng ý tiếp nhận thêm bệnh nhân mới trong phòng bệnh, các y, bác sĩ giải thích mãi mới xong việc. Có trường hợp bệnh nhân vào viện không mang theo bất cứ một loại giấy tờ, hay hành lý, bệnh viện phải qua khai thác thông tin, đối chiếu lại với chính quyền địa phương rất lâu mới xong. Những trường hợp đó, bắt buộc phải điều trị khỏi bệnh rồi bổ sung hồ sơ sau. Thậm chí, có trường hợp, bệnh nhân trốn ra viện rồi quay lại, bệnh viện đều tiếp nhận điều trị….
“Chúng tôi nghĩ, với các bệnh nhân thể nhẹ, ngoài thuốc uống điều cần thiết nhất chính là tinh thần của họ luôn lạc quan mới sớm khỏi bệnh. Trong điều kiện cho phép, chúng tôi luôn nỗ lực tối đa điều trị, chăm sóc bệnh nhân để họ sớm khỏe mạnh và xuất viện. Mỗi y, bác sĩ đều làm việc hết mình, hết việc chứ không hết giờ, luôn trong trạng thái trực sẵn sàng 24/24 và quan trọng là đảm bảo không để lây nhiễm chéo trong khu điều trị và không có ca tử vong nào tại đây”, bác sĩ Lê Bá Nguyễn tâm sự.
Tín hiệu khả quan
Tính đến trưa 4/10, toàn tỉnh có 10 cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có 7 Bệnh viện Dã chiến; Phòng khám đa khoa Tu Bông; Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Ninh Hòa và một cơ sở điều trị riêng cho bệnh nhân nghiện ma túy mắc COVID-19. Trước đó, do tình hình số lượng bệnh nhân điều trị khỏi ngày càng gia tăng, tỉnh Khánh Hòa đã cho ngừng hoạt động 7 cơ sở phụ của 7 Bệnh viện dã chiến với 1.960 giường. Hiện tại, tổng số giường theo kế hoạch thu dung điều trị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 1.810, số thực tế đang điều trị là 413 ca, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng chiếm trên 87%. Số lượng bệnh nặng tại bệnh viện dã chiến số chỉ còn trên 50 bệnh nhân đang điều trị. Các cơ sở đã điều trị khỏi bệnh cho hơn 7.440 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ hơn 93,7 % số ca mắc
Bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, Khánh Hòa đã sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir dạng tiêm 12.000 lọ để điều trị cho bệnh nhân mức vừa và nặng và thuốc Molnupiravir 400mg dạng viên để điều trị cho 1.500 bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nhẹ; chủ động sử dụng những thuốc kháng đông máu, kháng viêm phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân; tận tình hướng dẫn, chăm sóc cho người bệnh.
Bệnh nhân tử vong có độ tuổi trung bình là 70,63, cao nhất là 99 tuổi, thấp nhất là 45 tuổi. 78/85 bệnh nhân đều có bệnh nền, trong đó chủ yếu là tăng huyết áp, đái tháo đường béo phì và bệnh lý tim mạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đợt thứ 4, Khánh Hòa có số lượng ca mắc cao, liên tục tỉnh đã trang bị các loại máy móc, bình oxy, các loại thuốc tốt nhất để đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Cùng với đó, việc phân tầng điều trị đã được tỉnh đưa vào để giảm tải cho tuyến trên, các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng được điều trị tại các cấp huyện, còn những bệnh nặng được đưa vào các Bệnh viện Dã chiến chất lượng cao như Bệnh viện Quân y 87, Bệnh viện Lao phổi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới…
Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã cống hiến. Ở các cơ sở điều trị COVID-19, họ đã gác lại cuộc sống cá nhân sẵn sàng vì nhiệm vụ chung. "Với sự chung tay, chung sức đồng lòng của toàn xã hội, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ tin tưởng rằng dịch COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi và đưa Khánh Hòa trở lại cuộc sống bình an, khỏe mạnh vốn có trước đây”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.