Cứu sống nam sinh viên năm nhất bị đâm thủng động mạch đốt sống cổ

Ngay sau khi trận thi đấu bóng đá do trường tổ chức kết thúc, nam sinh viên L. M. S (18 tuổi, TP Hồ Chí Minh) bị một sinh viên cùng trường đâm từ phía sau vào vùng cổ bên phải bằng dao nhọn. Vết thương gây chảy máu rất nhiều nhưng nam sinh viên đã được giáo viên và bạn học băng bó tạm thời và đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh).

Ngày 23/12, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, ngay khi tiếp nhận nạn nhân, bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ (code red). Các bác sĩ nhiều chuyên khoa nhanh chóng có mặt, thăm khám vết thương và nhận định bệnh nhân bị thủng mạch máu lớn vùng cổ, tình trạng chảy máu vẫn đang hoạt động, tiên lượng nguy kịch. Các bác sĩ khẩn trương băng ép cầm máu vết thương, thực hiện các xét nghiệm cấp cứu, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính vùng đầu cổ.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân được chăm sóc điều trị tại khoa Nội thần kinh. Ảnh: BV

Kết quả cho thấy, nạn nhân bị gãy mỏm ngang đốt sống cổ C2 bên phải có mảnh rời, thủng thành bên động mạch đốt sống phải ở vị trí tương ứng, động mạch đốt sống phải kém ưu thế so với động mạch đốt sống trái.

TS. BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, trưởng ê-kíp can thiệp Bệnh viện Quân y 175 thông tin, đây là một trường hợp rất hiếm gặp, bản thân ê-kíp can thiệp mạch cũng chưa từng gặp tình huống tương tự trước đây, tra cứu y văn trong nước hầu như không tìm thấy dữ liệu.

Tại Mỹ, thống kê của Ngân hàng Dữ liệu Chấn thương Quốc gia (National Trauma Data Bank), trong 2 năm từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2017 cho thấy, chấn thương động mạch đốt sống chỉ chiếm tỉ lệ không đến 1% (6.865 trong tổng số 1.965.144 trường hợp). Đáng lưu ý, chỉ 9% trong số này (608 trong tổng số 6.865 trường hợp) là thủng động mạch do vết thương xuyên thấu (bởi dao, kéo, mảnh thuỷ tinh, hoả khí…)

“Cơ thể mỗi người có hai động mạch đốt sống, một bên phải và một bên trái. Chấn thương động mạch đốt sống là dạng sang thương hiếm gặp vì ở đoạn cổ (trừ đoạn V1), động mạch được bao bọc bởi mỏm ngang các đốt sống cổ là các cấu trúc xương cứng; trong khi ở đoạn trong sọ, hộp sọ là cấu trúc vững chãi che chắn cho động mạch”, TS.BS Tạ Vương Khoa giải thích.

TS. BS Tạ Vương Khoa cho biết, để điều trị cho bệnh nhân L. M. S, bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản và an thần thở máy chủ động, bảo vệ đường thở khỏi sự chèn ép của khối máu tụ lớn vùng cổ đã hình thành và đang tiếp tục tiến triển; đồng thời, khẩn trương đưa bệnh nhân lên phòng can thiệp mạch xử lý chỗ thủng động mạch đốt sống bằng phương pháp can thiệp nội mạch.

Theo TS. BS Tạ Vương Khoa, điều trị thủng động mạch đốt sống do vết thương xuyên thấu có hai phương pháp là phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Đây đều là hai kỹ thuật khó và phức tạp, đặc biệt khi vị trí thủng ở cao như trường hợp nạn nhân này (cuối đoạn V2, tiếp giáp đoạn V3).

Bệnh nhân sau can thiệp xử lý thành công động mạch đốt sống bị thủng, được các bác sĩ nhiều chuyên khoa tiếp tục theo dõi, thăm khám kỹ lưỡng, xử lý hiệu quả các sang thương kết hợp (vết thương da, cơ, mạch máu nhỏ vùng cổ, gãy mỏm ngang đốt sống cổ C2, sang chấn tâm lý…). Vài giờ đồng hồ sau can thiệp, bệnh nhân được giải mê và rút ống nội khí quản. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và xuất viện.

Đan Phương/Báo Tin tức
Cả nước phát hiện mới trên 78.500 bệnh nhân lao
Cả nước phát hiện mới trên 78.500 bệnh nhân lao

Ngày 22/12, phát biểu tại Giao ban tổng kết hoạt động chương trình chống lao năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024 do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức, Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà chương trình chống lao các tỉnh, thành phố đã đạt được trong năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN