Tại nước ta đã có 911.310 người khỏi bệnh và hiện có tới 5.295 bệnh nhân nặng. Dù đã qua giai đoạn đỉnh dịch nhưng trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp nên trong nước cũng chưa thể chấm dứt được dịch. Đây là nội dung nổi bật được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế nêu ra tại hội thảo “Bảo vệ sức khoẻ, thích ứng an toàn với dịch COVID-19”. Hội thảo do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 24/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, COVID-19 cần được đánh giá toàn diện bởi các tài liệu về hậu COVID-19 cấp tính, sinh lý bệnh và các di chứng cụ thể.
Tiến sỹ tâm lý Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch COVID-19. Tuy vậy, các quốc gia vẫn chưa quan tâm hoặc chú ý đến sức khoẻ tâm thần của người dân. Các rối loạn, vấn đề sức khoẻ tâm thần khởi phát ngay trong dịch như cảm xúc âm tính; nhận thức tiêu cực; trầm cảm; lo âu, hoảng sợ; ám thị; triệu chứng cơ thể; tự sát... Các rối loạn tâm thần có thể kéo dài, khởi phát kể cả sau dịch đến 2-9 năm gồm trầm cảm, ám ảnh sợ… Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là giãn cách xã hội, cách ly, dương tính; kiệt sức; khó tiếp cận nguồn an sinh xã hội; tiếp nhận thông tin nhiễu loạn, độc hại; khủng hoảng tài chính và việc làm; mất người thân; lo sợ về tương lai.
Theo đó, 5 nhóm dễ tổn thương sức khỏe tâm thần gồm nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt; công nhân (lao động di cư), lao động phi chính thức; người có vấn đề tâm thần hoặc bệnh nền; người khuyết tật. Do đó, cần chăm sóc sức khỏe tâm thần trong và sau đại dịch COVID-19; thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng về COVID-19 và sức khỏe tâm thần (thông tin về dịch COVID-19 minh bạch, duy nhất; nâng cao hiểu biết sức khoẻ tâm thần và chiến lược ứng phó; gia tăng kênh giải trí; tránh kỳ thị bệnh nhân dương tính, nhân viên y tế …). Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa sức khỏe tâm thần cộng đồng theo khuyết nghị của WHO (năm 2020) như sức khỏe tâm thần trường học; chương trình huấn luyện cộng đồng phòng ngừa thiên tai; phòng ngừa sức khoẻ tâm thần trong nghề nghiệp; nâng cao sức khỏe tâm thần cha mẹ.
Chia sẻ vai trò của bệnh viện dã chiến trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, ông Phan Minh Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 6 cho biết, việc phát hiện sớm, dự trù, dự phòng bệnh nhân trở nặng để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhằm không làm quá tải, giảm áp lực cho tuyến trên. Vì vậy, Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 6 đã trao đổi với Bệnh viện Chợ Rẫy, với các chuyên gia y tế có kinh nghiệm để tính toán chuyển bệnh nhân đi một cách an toàn, hiệu quả.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 6 là một trong 3 bệnh viện được đầu tư hệ thống nguồn ô-xy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động. Bệnh viện còn triển khai hệ thống RO chạy thận nhân tạo và triển khai phần mềm quản lý và điều trị bệnh nhân. Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 6 còn phối hợp quản lý và điều trị F0 tại nhà (thực hiện tại Quận 1 và Quận 3) với mục tiêu chung là quản lý và giảm số lượng F0 tại cộng đồng, giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong. Đồng thời, triển khai mô hình phối hợp quản lý và điều trị F0 tại nhà, mỗi khu phố là một khoa lâm sàng, mỗi ngôi nhà là một phòng điều trị, là một giường bệnh để chữa trị cho các F0.
Về vấn đề kết hợp đông tây y trong điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên Chi hội Đông Tây y kết hợp cho biết, con người có hệ miễn dịch tự nhiên vốn sinh ra đã có và hệ miễn dịch đặc hiệu nhờ vaccine để hình thành.
Theo đó, y học cổ truyền có vai trò giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên, hỗ trợ tích cực, tăng sức đề kháng, giúp con người vượt qua được bệnh tật. Hiện Bộ Y tế đã cho phép sử dụng y học cổ truyền trong các phác đồ điều trị COVID-19. Với tác dụng hỗ trợ hoạt động miễn dịch giúp tăng sức đề kháng đã được chứng minh, các vị thuốc – bài thuốc y học cổ truyền là vũ khí tăng cường cho thầy thuốc chọn lựa trong điều trị chống lại SARS-CoV-2. Một loạt các nghiên cứu về tác dụng dược lý của Xuyên tâm liên cũng đã được tiến hành cho thấy đây là một dược liệu rất tiềm năng trong tác dụng kháng khuẩn cũng như kháng virus, đặc biệt là một số chủng virus như Influenza A, EBV, HIV, Ebola và gần đây là các nghiên cứu về tác động của Xuyên tâm liên trên virus SARS-CoV-2.
Với mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế luôn cố gắng đưa ra những chiến lược tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho người dân. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K, các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, mỗi người dân cần phải ý thức, thực hiện nghiêm hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát.
Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh, các bệnh viện tư nhân phải đáp ứng sẵn sàng thích ứng "4 tại chỗ"; các bác sỹ phải được huấn luyện, thực hành để ứng phó sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Các bệnh viện phải tích cực triển khai công tác điều trị các bệnh thông thường, bởi ngoài dịch COVID-19, vẫn còn rất nhiều căn bệnh thông thường khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải thực hiện linh hoạt chiến lược nhiệm vụ kép, tiếp tục thực hiện khám chữa bệnh từ xa, cải tiến chất lượng, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và quản trị bệnh viện.
“Với tinh thần chống dịch như chống giặc, toàn dân chung tay bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với đại dịch trong thời đại mới, tôi tin tưởng với sự vào cuộc của các tầng lớp, mọi người dân, chúng ta cùng nhau chung tay đoàn kết ngăn chặn và đẩy lùi các đợt dịch xâm nhập, bùng phát ở Việt Nam trong thời gian tới, để đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới, tập trung xây dựng kinh tế xã hội, phát triển đất nước”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.