"Lần mò trong bóng tối của đường mòn”
Những ngày cuối tháng 3/2021, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), khi “bức tường” ngăn cách khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 được gỡ xuống, bác sĩ Phạm Văn Phúc cùng các đồng nghiệp mới cho phép mình thả lỏng sau những tháng ngày căng thẳng tột độ.
Nhớ lại thời điểm tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, bác sĩ Phúc cho biết: “Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, vào khoảng 22 giờ, tôi đang trực thì nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 chuyển vào viện. Lãnh đạo cũng yêu cầu Bệnh viện khẩn trương chuẩn bị giường bệnh và các trang thiết bị cần thiết để điều trị. Lúc đấy chúng tôi rất lo lắng vì đây là bệnh mới”.
Thời kỳ đầu chống dịch COVID-19, Việt Nam chưa có phác đồ điều trị bệnh rõ ràng, cụ thể. Do vậy, các bác sĩ tuyến đầu chống dịch phải tự mày mò nghiên cứu, kết hợp với thực tế tình trạng bệnh nhân để xác định nguyên nhân và tìm cơ chế điều trị. Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, trong quá trình làm việc, anh cùng các đồng nghiệp cũng có những lần tranh luận khá căng thẳng do mỗi người có một ý kiến quan điểm riêng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc, tất cả mọi người đều mong muốn tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Được biết, tại khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện có 3 bác sĩ ở vòng trong, mỗi bác sĩ trực tiếp chăm sóc 4-5 bệnh nhân, luân phiên nhau 12 tiếng/ca. Thời gian này, với số tài liệu và vốn kinh nghiệm chống dịch mới còn hạn chế, lại tiếp xúc với các bệnh nhân nặng và nguy kịch đã khiến các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”, đặc biệt là khi bệnh nhân trở nặng, ngừng tuần hoàn.
“Tôi căng thẳng đến mức gần như không ngủ được. Hết ca trực, tôi cùng các đồng nghiệp hầu như không dám nghỉ mà thường xuyên chạy ra chạy vào kiểm tra tình hình bệnh nhân, bất kể lúc đó là đêm khuya hay sáng sớm. Chúng tôi đã phải kiên nhẫn trong nghiên cứu bệnh và điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi làm việc đó giống như vừa đi vừa lần mò trong bóng tối của đường mòn”, bác sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Bác sĩ Phúc trong cuộc sống là một người rất vui vẻ, hòa đồng. Trong công việc, anh lại là một người rất nghiêm túc, luôn lấy bệnh nhân làm trung tâm. Làm việc cùng bác sĩ Phúc, chúng tôi không phải lo lắng điều gì, chỉ cần luôn luôn đảm bảo chăm sóc tốt, đầy đủ cho bệnh nhân là được”.
Trưởng thành hơn sau đại dịch
Bệnh nhân đến với Khoa Hồi sức tích cực hầu hết đều ở tình trạng nặng, thậm chí tính mạng đang trong tình trạng nguy kịch. Do đó, áp lực của các y, bác sĩ rất lớn. Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, khi còn là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, khi xử lý trường hợp bệnh, phần lớn có các giảng viên và sinh viên khóa trên hướng dẫn.
“Trước đây, nếu không trao đổi được với bệnh nhân thì chúng tôi có thể nhờ giảng viên và sinh viên khóa trên hỗ trợ. Nhưng đi làm thì bản thân phải là người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Vì vậy, không chỉ chú trọng trong lĩnh vực chuyên môn mà tôi còn phải học cách ứng xử với bệnh nhân, hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân để có thể hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân tốt nhất”, bác sĩ Phúc cho biết.
Trong quá trình chống dịch COVID-19, sau những đêm nghiền ngẫm tài liệu, phác đồ điều trị hay những ngày chăm sóc bệnh nhân nặng, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đúc kết được nhiều kiến thức, bài học kinh nghiệm hữu ích.
“Đợt cao điểm chống dịch COVID-19, cách 2 ngày chúng tôi lại hội chẩn một lần. Có khi, tối bệnh nhân diễn biến nặng thì 7 giờ sáng hôm sau đã có thông báo hội chẩn chuyên môn. Vì vậy sau thời gian này, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các giáo sư, đồng nghiệp. Đây là một điều rất có lợi để các bác sĩ có cơ hội nâng cao hiệu quả trong điều trị bệnh nhân. Cũng nhờ vậy mà tôi thấy bản thân trưởng thành nhiều hơn”.
Không chỉ trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Phạm Văn Phúc còn tham gia góp ý cho Bộ Y tế, Chính phủ xây dựng các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, cũng như xây dựng các hướng dẫn, phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19. Anh cùng với nhân viên trong khoa triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong điều trị như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân tử (lọc Cytokines), trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… Nhờ đó các bệnh nhân nguy kịch vào khoa đã được điều trị khỏi bệnh, trong đó từng có những bệnh nhân rất nặng, bị suy đa tạng, ngừng tuần hoàn vẫn được cứu sống.
“Điểm nào hợp lý, điểm nào chưa hợp lý đều được tôi và các đồng nghiệp ghi chép, phản ánh tới cấp cao hơn để nghiên cứu đưa ra được phương pháp phòng, chống dịch hiệu quả”, bác sĩ Phúc cho biết thêm.
Bác sĩ Phúc bộc bạch, trải qua hai đợt cách ly, mỗi đợt kéo dài khoảng hai tháng, tất cả sinh hoạt đều diễn ra trong khuôn viên Khoa Hồi sức tích cực. Bất tiện và vất vả, nhưng nhiều bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, được đồng hành cùng bệnh nhân trong những chuỗi ngày khó khăn nhất vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của mỗi bác sĩ chống dịch. Thậm chí cả quãng thời gian toàn thân kín mít đồ bảo hộ, không được tiếp xúc với bên ngoài hay gặp gỡ người thân, bạn bè, cũng đã trở nên bình thường đối với bác sĩ Phạm Văn Phúc và các đồng nghiệp của anh.
Hiện nay, dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 rất có thể sẽ kéo dài trường kỳ, khó biết trước thời điểm kết thúc. Ở những nơi tuyến đầu của cuộc chiến ấy, chắc chắn bác sĩ Phạm Văn Phúc và những đồng nghiệp của mình sẽ tiếp tục chiến đấu để mang lại niềm hy vọng, cuộc sống tươi đẹp cho những bệnh nhân.