Đáng chú ý, bất động sản công nghiệp chính là “điểm sáng” của thị trường và dòng vốn FDI ổn định đã góp phần tạo “nam châm” thu hút đầu tư cho phân khúc này.
Các chuyên gia dự báo, với mục tiêu đón sóng FDI đổ vào Việt Nam, nhu cầu thuê đất công nghiệp vẫn tiếp tục sôi động trong năm 2023, bất chấp những khó khăn chung của toàn thị trường bất động sản. Nhất là trong bối cảnh các thủ phủ công nghiệp cũ dần lấp đầy khiến giá thuê đi lên và nguồn cung mới, có quy mô diện tích lớn cũng hạn chế.
Ngay sau khi mở cửa trở lại sau dịch, những nhà đầu tư và khách hàng quốc tế đã nhanh chóng sắp xếp các cuộc khảo sát vị trí, ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán. Ngay trong quý đầu tiên của năm 2023, phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ với nhiều tên tuổi lớn như Boeing, Coca - Cola, Meta, SpaceX, Netflix, Apple… đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác cho thấy niềm tin của các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam.
Tiềm năng Việt Nam trở thành bến đỗ, trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao cũng không phải là giấc mơ xa.
Mặc dù đầu tư FDI năm 2023 có sự chậm lại do suy thoái kinh tế nhưng riêng phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam có thể duy trì nguồn cầu từ nhà đầu tư nhờ các lợi thế về lao động, dân số, sự phát triển cơ sở hạ tầng, ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Tyler Nguyễn - Giám đốc Khối khách hàng Định chế của Maybank Investment Bank nhận định, triển vọng FDI của Việt Nam sẽ sáng sủa không chỉ trong nửa cuối năm nay mà còn trong năm 2024 và xa hơn nữa.
“Mới đây, hơn 200 nhà đầu tư Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm Việt Nam. Con số 200 đánh dấu lượng nhà đầu tư lớn nhất sang Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức cấp Chính phủ. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc muốn tiếp tục tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn LG đã cam kết đầu tư thêm 1 tỷ USD, nâng mức tổng đầu tư tại Hải Phòng lên 2 tỷ USD” – ông Tyler Nguyễn dẫn chứng.
Ngay như đầu tháng 7/2023, Tập đoàn Sumitomo đã công bố kế hoạch phát triển khu công nghiệp trị giá 400 triệu USD tại Thanh Hóa hay Foxconn cũng được chấp thuận đầu tư 246 triệu USD vào các nhà máy sản xuất mới tại Quảng Ninh. Đáng chú ý, phê duyệt đầu tư của Foxconn được xử lý trực tuyến chỉ trong 12 giờ, nhanh đột biến so với quy trình 14 ngày trước đây. Theo ông Tyler Nguyễn, việc phê duyệt trên cho thấy Chính phủ sẵn sàng triển khai công nghệ tiên tiến để loại bỏ các thủ tục pháp lý rườm rà.
Trên thực tế, bất động sản công nghiệp đã chuẩn bị và chờ cơ hội đón vốn FDI. Theo ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam, thị trường công nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định; mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn. Đặc biệt, trước thực tế các công ty đa quốc gia đang tìm địa điểm để di dời từ Trung Quốc, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam càng phải biết cách tận dụng xu thế này.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cushman & Wakefield, tại phía Bắc, quý II vừa qua ghi nhận nguồn cung 238 ha khu công nghiệp đến từ 2 khu công nghiệp ở Hưng Yên. Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận xét, nhờ vào mặt bằng đất khu công nghiệp sẵn có với mức giá thuê hợp lý, các tỉnh phía Bắc tiếp tục duy trì lợi thế vị trí và tiềm năng thu hút đầu tư, đón nhận làn sóng đầu tư vào các tỉnh; trong đó, dẫn đầu là Quảng Ninh, Hải Dương.
Tuy nhiên, hiện nay việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp, khi tỷ lệ lấp đầy luôn ở mức cao. Tại một số tỉnh phía Nam như Bình Dương hay Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức trên 95%. Còn phía Bắc, các tỉnh có thị trường bất động sản công nghiệp phát triển như Bắc Giang và Hải Dương đều có nguồn cầu cao với tỷ lệ lấp đầy từ 96 - 99%.
Để chủ động tạo nguồn cung bất động sản công nghiệp đợi đón vốn FDI dự báo sẽ tăng nhanh vào thời điểm cuối năm, mới đây, tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 6 khu công nghiệp mới với tổng diện tích gần 1.135 ha nằm ở các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang, Nam Sách và Kim Thành. Đây là nguồn dư địa lớn trong thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Cùng đó, để tiếp tục duy trì lợi thế thu hút đầu tư, các tỉnh phía Bắc đã gấp rút hoàn thiện và công bố quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của tỉnh nhằm dọn tổ đón “đại bàng”. Các chủ đầu tư cũng đang đẩy nhanh tiến độ pháp lý và quá trình xây dựng. Nhờ đó, nguồn cung đất khu công nghiệp giai đoạn 2023 – 2026 sẽ tăng đáng kể, đạt gần 5.000 ha – Công ty Cushman & Wakefield thông tin.
Cũng trong tâm thế dọn tổ cho “đại bàng”, đầu tháng 7, Công ty cổ phần Hanaka (Bắc Ninh) cũng vừa khởi công xây dựng Khu công nghiệp Gia Bình 2 có quy mô 250 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 3.957 tỷ đồng. Hanaka dự kiến trong quý IV/2023 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất đầu tư xây dựng.
Bà Trang Bùi cho biết, từ năm 2023 đến 2026, miền Bắc dự kiến sẽ đón nhận 1,4 triệu m2 nhà xưởng và 0,7 triệu m2 nhà kho. Dự báo, nhu cầu đối với hai loại hình này vẫn tiếp tục gia tăng tại khu vực phía Bắc nếu tiếp tục phát huy vị thế “nam châm” thu hút đầu tư.