Ngày 15/12, Đoàn công tác của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Vương Đình Huệ dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP. Hồ Chí Minh đã tham gia buổi tọa đàm “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm khơi thông thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh" do Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh (Horea) tổ chức. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, cho biết: Hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát cao vẫn có nguy cơ quay trở lại, nợ xấu gia tăng, lãi suất vay quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng huy động lớn hơn nhiều lần so với tăng trưởng tín dụng cho vay. Đồng thời, chênh lệch cao giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động nên doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận được nguồn vốn vay (đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn).
Các nhà lãnh đạo đang tìm cách 'phá băng' cho thị trường bất động sản TP.HCM. |
Thêm vào đó, chi phí đầu tư vào đất quá lớn, cách tính tiền sử dụng đất còn quá cao, thủ tục hành chính còn nhiêu khê, kéo dài, doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho rất lớn không bán được, tính thanh khoản rất kém, nợ xấu của doanh nghiệp liên quan đến nợ xấu của ngân hàng rất lớn và có khuynh hướng gia tăng theo thời gian, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều, thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Horea, nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản trì trệ có nguyên nhân trực tiếp là chính sách thắt chặt tiền tệ từ tháng 2/2011 đến nay, mất cân đối cung cầu trong thị trường bất động sản, sản phẩm tồn kho không tiêu thụ được do bị lệch pha, do cung và cầu không gặp nhau.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực, vốn nhỏ và phụ thuộc quá lớn vào nguồn tín dụng, huy động của khách hàng. Mặt khác, lòng tin của người tiêu dùng bị giảm sút nghiêm trọng, có tâm lý chờ đợi giá sau hơn nữa càng làm cho thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài.
Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị các giải pháp cấp bách cũng như trung và dài hạn để khơi thông thị trường bất động sản, phát triển bền vững. Các giải pháp được đưa ra là: Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi khoảng 8%/năm trong thời hạn 10-15 năm cho người mua nhà đầu tiên, người đang ở nhà chật hẹp; có cơ chế để chuyển mục đích sử dụng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đối với các dự án phù hợp.
Đồng thời, Nhà nước cần xem xét cho các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản tín dụng mới để tiếp tục hoàn thiện công trình dở dang, xem xét giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ kinh doanh sản phẩm…
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp bất động sản TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Vương Đình Huệ, cho rằng: Tồn kho của bất động sản hiện nay gắn liền với tình trạng nợ xấu. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có chính sách tháo gỡ cho bất động sản và thị trường vật liệu xây dựng.
Hiện Bộ Tài chính cũng đang đề nghị một gói hỗ trợ lãi suất cho thị trường vật liệu xây dựng, trong đó ưu tiên cho chương trình bê tông hóa. Về chính sách thuế mà nhiều doanh nghiệp bất động sản đề cập đến tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, vừa qua Nhà nước cũng đã có những chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp như giãn, giảm thuế thu nhập.
TTXVN/Tin Tức