Lấy nhà ở xã hội 'bẩy' thị trường bất động sản

Lấy nhà ở xã hội làm đòn bẩy, gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay là một trong những nội dung được đề cập đến trong buổi làm việc ngày 13/12 giữa Bộ Xây dựng với UBND Thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp nòng cốt về đầu tư xây dựng nhằm vực dậy thị trường nhạy cảm này.

Xây dựng nhà ở xã hội chính là gói kích cầu mà người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi.

* Sát với nhu cầu của người dân

Với khối lượng BĐS như hiện nay, nếu tung hết ra thị trường thì hơn mười năm nữa cũng chưa chắc đã thanh khoản xong. Chính vì vậy, cần kiểm soát sự phát triển ồ ạt này. Có dự án phải dừng, phải đánh giá lại thị trường trong tương lai để có kế hoạch. Hiện nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị, những công chức nghèo đang rất khó khăn, phát triển nhà ở cần phải tập trung vào những đối tượng này… Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Giải pháp được Bộ Xây dựng cho là đòn bẩy gỡ khó thị trường hiện nay lại chính là nhà ở xã hội. Quỹ nhà này phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân chúng, người dân thì có nhà, doanh nghiệp có việc làm; thị trường phát triển giúp cho nền kinh tế sôi động, kích thích tiêu dùng. Hơn nữa, nhà xã hội có diện tích nhỏ, giá rẻ, các doanh nghiệp dùng khoa học công nghệ, vật liệu mới, cộng với sự hỗ trợ từ hệ thống chính sách sẽ tiếp tục làm cho giá nhà rẻ đi.

Phân tích về thị trường BĐS hiện nay, Bộ trưởng cho rằng BĐS đóng băng sau thời kỳ phát triển cao trào, theo nhu cầu ảo. Một thời gian dài cứ có đất là làm dự án, có đất là quy hoạch nhà ở. Trên một mảnh đất có 2 quy hoạch, phát triển nhà ở tự phát, làm theo phong trào… Để xảy ra tình trạng này là do chưa xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, chính sách một cách đồng bộ.

Hiện nay, dư nợ tín dụng BĐS rất lớn, nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến tín dụng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy “tháo ngòi nổ” BĐS hiện nay đang là vấn đề cấp bách và phải như “cứu hỏa”. Chưa bao giờ Chính phủ, Quốc hội lại quan tâm đến BĐS như hiện nay. Ngay cả các ngân hàng cũng nhập cuộc sát sao và quyết liệt…, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.


Giải pháp được Bộ Xây dựng cho là đòn bẩy gỡ khó thị trường hiện nay lại chính là nhà ở xã hội. Nguồn: Internet.



* Doanh nghiệp hiến kế

Phó TGĐ Tổng công ty CP Vinaconex Đoàn Châu Phong cho biết: Tại khu đô thị Bắc An Khánh hiện có 18,5 ha đã được đề xuất chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Hiện đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ, phương thức thực hiện, dự kiến sẽ khởi công vào quý 1/2013. Ngoài ra, nếu được chấp thuận, Vinaconex sẽ triển khai 50 ha tại khu đô thị Đại Áng (Thanh Trì) rất thuận tiện về giao thông, hạ tầng.

Ông Phong khẳng định: Các doanh nghiệp nòng cốt trực thuộc TCT Vinaconex đều đã đăng kỳ tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Hiện các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của Vinaconex có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu xây dựng với công nghệ cao. Trong thời gian tới, Vinaconex hy vọng sẽ tạo ra những khu đô thị nhà ở xã hội chứ không phải nhà thu nhập thấp như bấy lâu nay vẫn làm.

Để thực hiện được điều đó, ông Đoàn Châu Phong kiến nghị Thành phố Hà Nội cho phép doanh nghiệp để lại quỹ sàn từ nhà ở thương mại để làm quỹ dịch vụ bù đắp vào suất đầu tư cho nhà ở xã hội. Từ đó, có thể kéo giá nhà xuống thấp, tạo ra sự đồng bộ, thuận tiện cho cuộc sống của người dân khi đến ở. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ nhà ở xã hội được trích 15% không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư vào tiện ích tòa nhà, để người dân bớt phải đóng phí dịch vụ. Thêm nữa, Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội cần có cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào trường học, bệnh viện và thí điểm làm nhà cho thuê thu hút lực lượng lao động trẻ.

Đại diện tập đoàn Nam Cường chia sẻ Tập đoàn này hiện có 140 ha tại khu đô thị Đại Mỗ và sẽ dành 10-15ha làm nhà ở xã hội. Để kéo giá nhà ở thương mại xuống gần với nhà ở xã hội nhằm giảm lượng hàng tồn kho, Tập đoàn Nam Cường kiến nghị cần hạ lãi suất cho vay xuống 10% thay vì 18% như hiện nay; thuế thu nhập DN nên giảm còn 15%, thuế VAT giảm còn 5% cho người mua nhà ở thương mại. Theo tính toán của doang nghiệp này, nếu cộng các yếu tố trên thì giá nhà ở thương mại cũng có thể giảm được 30%. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần hoàn thiện chính sách cho thuê nhà ở xã hội.

Đơn vị đầu đàn của Bộ Xây dựng - HUD cũng cho biết đang triển khai dự án Tây Nam Linh Đàm quy mô 49 ha. Mặc dù trong số 19 ha dành phát triển nhà ở, chỉ có 2,4 ha dùng xây dựng nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp này đang điều chỉnh để dành từ 8-9ha làm nhà ở xã hội. Chỉ để lại 10 ha làm nhà ở thương mại để có vốn hoàn thiện hạ tầng xã hội trong khu đô thị. Tuy nhiên, HUD đề nghị Thành phố Hà Nội cho phép tăng mật độ dân số do dự án nằm ngoài vành đai 3…

* Triệt để tận dụng quỹ đất 20%

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phải quy hoạch riêng cho phát triển nhà ở xã hội, nhưng hiện Hà Nội đang thực hiện không đúng. Tỷ lệ đất dành cho nhà ở xã hội rất thấp, kể cả trong quy hoạch dự án, cấp phép xây dựng lẫn thực giao đất. Vì vậy, Hà Nội phải nhanh chóng phân loại các dự án để điều chỉnh lại, nhất thiết phải dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang theo dõi sát sao vấn đề này và sẽ kiểm tra chặt chẽ. Các dự án phải chủ động điều chỉnh, nếu không sẽ bị “chỉ mặt vạch tên”.

Theo Nghị định về Nhà ở xã hội vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, các cơ chế hỗ trợ cũng tăng rất nhiều. Đặc biệt với chương trình ký kết với BIDV, trong 3 năm tới mỗi năm BIDV sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho nhà xã hội với lãi suất ưu đãi đầu tư, trong đó 6.500 tỷ dành cho người mua nhà với lãi suất bằng lãi suất huy động tiết kiệm, thời hạn 15 năm, giá trị bằng 70% giá trị nhà.

Ngoài ra các dự án nhà ở xã hội sẽ được hưởng thuế GTGT 5% thay vì 10% như hiện nay, thuế TNDN cũng giảm xuống từ 20% còn 10%... Bộ Xây dựng đang kiến nghị những chính sách này được áp dụng từ quý II/2013. Khi cơ chế chính sách dành cho nhà ở xã hội thông thoáng thì các doanh nghiệp cần thể hiện ý chí quyết tâm phát triển loại hình nhà ở này.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các doanh nghiệp nên tập trung làm nhà ở xã hội tại Hà Nội và những khu vực có nhu cầu cao. Đối với khu đô thị Đại Mỗ của Nam Cường, nên chuyển hoàn toàn sang xây dựng nhà ở xã hội; Khu Tây Nam Linh Đàm, chủ đầu tư HUD cũng nên dành trên 50% quỹ đất trở lên cho phát triển nhà ở xã hội. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thể hiện phong cách kinh doanh một cách chuyên nghiệp.


Thu Hằng
Chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Liệu có khả thi? - Bài cuối: Tạo lập khung pháp lý để thị trường phát triển lành mạnh
Chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Liệu có khả thi? - Bài cuối: Tạo lập khung pháp lý để thị trường phát triển lành mạnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, với giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra về chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội thì cần có lộ trình hợp lý, cùng với đó phải có được khung pháp lý hoàn chỉnh để đảm bảo công khai, minh bạch và có hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN