Chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Liệu có khả thi? - Bài cuối: Tạo lập khung pháp lý để thị trường phát triển lành mạnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, với giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra về chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội thì cần có lộ trình hợp lý, cùng với đó phải có được khung pháp lý hoàn chỉnh để đảm bảo công khai, minh bạch và có hiệu quả.

 

Có chính sách hỗ trợ người mua nhà


Trong chiến lược phát triển nhà ở trước đây, phần lớn chú trọng đến việc tăng về số lượng, đảm bảo chất lượng cao cho nhà ở nhưng cấu trúc sản phẩm chưa được chú trọng. Từ đó dẫn đến việc dư thừa những căn hộ cao cấp còn người có thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu mua nhà thực sự thì chưa được chú trọng. Bởi vậy, giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra hướng đến những người có nhu cầu thực sự sẽ giúp kích cầu, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, cần có những chính sách hỗ trợ người mua nhà để người dân có thể tiếp cận thị trường nhanh nhất.


TS Phạm Sỹ Liêm (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) lưu ý cần phải phân định rõ sự hỗ trợ dành cho hai nhóm đối tượng: Đối tượng thuê nhà và đối tượng mua nhà. Với đối tượng thuê nhà ở xã hội thì cần có giá cho thuê phù hợp. Có thế áp dụng kinh nghiệm các nước tổng kết chi phí nhà ở bằng 30% thu nhập của hộ đó thì phù hợp. Ngoài ra một số nơi còn trợ giá thuê nhà cho người dân. Nhà nước sẽ đứng ra bù chênh lệch giá thuê nhà, chẳng hạn chủ hộ cho thuê nhà với giá 2,5 triệu đồng/tháng nhưng theo thu nhập của người thuê nhà chỉ có thể trả 2 triệu đồng thì nhà nước sẽ bù số tiền chênh lệch đó. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ thực hiện với nhóm đối tượng được lựa chọn ưu tiên theo nhóm lao động muốn khuyến khích của nhà nước. Cũng có thể Chính phủ, các địa phương dành khoản tiền mua nhà trả lâu dài trong khoảng 2 - 3 năm để cho nhân viên hoặc nhóm đối tượng cần khuyến khích thuê. Còn với đối tượng mua nhà, cần xác định đối tượng hỗ trợ để mua nhà trả góp. Nhà nước sẽ đứng ra bảo trợ giúp những người này có thể vay tiền mua nhà. Nhưng tất cả những biện pháp đó cần đưa ra những chính sách cụ thể.

 

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp


Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Minh Trí, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô khẳng định làm dự án nhà ở xã hội là không có lãi, các doanh nghiệp làm là để lấy việc làm cho công nhân, chứ thực chất các doanh nghiệp ít mặn mà. Vì nhà ở xã hội chỉ được hưởng lợi về giá trị đất đai và thuế để làm giảm giá bán, chứ thực chất chi phí đầu tư và các thủ tục hành chính không khác nhà ở thương mại. Bởi vậy, Bộ cần có thông tư để hướng dẫn cụ thể, cùng với đó các thủ tục hành chính cũng phải đảm bảo khả năng thích ứng nhanh, tránh gây mất thời gian.


Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp tiếp cận quỹ đầu tư nhà ở vẫn còn rất khó khăn. Cơ chế ứng vốn trước hoàn thuế sau gây khó cho những doanh nghiệp ít vốn. Nếu doanh nghiệp không có tiền thì họ cũng sẽ đi vay nơi khác với lãi suất cao để làm, lãi suất này lại tính vào giá thành, và cuối cùng lại đổ lên đầu người mua nhà. Bởi vậy, cần tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư tiếp cận được với quỹ đầu tư.


ThS. KTS Lê Việt Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế Xây dựng Hà Nội cho rằng, giải pháp đưa ra là nhà nước cần phải có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp bớt đi được các khoản phí lập và thiết kế dự án, tiền “bôi trơn”, “chạy” dự án... thì lúc đó giá thành xây dựng sẽ giảm và đương nhiên giá bán của dự án cũng sẽ giảm theo. Vì đã gọi là xã hội thì phải là trách nhiệm của quốc gia, nhà nước chứ không thể nào để doanh nghiệp đứng ra được, bởi bản chất doanh nghiệp là kinh doanh thương mại, là phải làm ăn có lãi, không thể nào bắt doanh nghiệp tham gia vào những việc phi lợi nhuận được.


Theo TS Nguyễn Ngọc Hiếu (Phó trưởng Khoa quản lý nhà nước về đô thị và nông thôn, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia) thì nhà nước cần có ưu đãi giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án loại này. Bởi nếu không, doanh nghiệp không triển khai được thì nhà nước cũng không thu được thuế kinh doanh, thuế và phí sang nhượng và kể cả tiền sử dụng đất. Đây cũng là giải pháp kích cầu giúp phá băng thị trường BĐS mà có lợi cho tất cả các bên.


Thời gian qua, do thiếu quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, các quy hoạch và chiến lược phát triển nhà ở lại không chú trọng đến các hướng ưu tiên, các trọng điểm từng đô thị dẫn đến nhiều bất cập về cung cầu BĐS và hạ tầng đô thị.


Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm thì cơ chế chính sách hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Việc phát triển đô thị nhanh mà thiếu quản lý là do một số nghị định, quy định quản lý về đô thị thể hiện nhiều bất cập và cần thay thế nhưng còn chậm thay đổi. Với giải pháp Bộ Xây dựng mới đưa ra, Bộ cần có tiêu chí xác định những dự án nào thì sẽ được tham gia chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và cần xác định yêu cầu đảm bảo quy hoạch chung như thế nào. Đồng thời cần phải xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện những giải pháp “giải cứu” thị trường BĐS và sự quản lý chung, đồng bộ và lâu dài.


Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra mang tính chất tình thế. Vì thế, bên cạnh một số ý kiến đồng tình thì một số ý kiến cho rằng, cần thận trọng thí điểm trên một số dự án điển hình rồi mới rút kinh nghiệm để mở rộng thực hiện. Điều quan trọng là cần có những chính sách phù hợp để thị trường BĐS không những thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay mà còn hướng tới phát triển lành mạnh lâu dài.


Thu Trang - Bình Phương


 

Chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Liệu có khả thi? - Bài 2: Cân nhắc quy mô và lộ trình chuyển đổi
Chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội: Liệu có khả thi? - Bài 2: Cân nhắc quy mô và lộ trình chuyển đổi

Với tổng số hơn 2.000 dự án, hơn 70.000 căn hộ cao cấp tồn đọng hiện nay thì không thể chuyển đổi tất cả các dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội mà cần phải cân nhắc thận trọng về quy mô và lộ trình chuyển đổi sao cho hợp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN