Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh
TP Hồ Chí Minh đã trải qua 4 tháng giãn cách xã hội đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, tuy nhiên để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp đã thay đổi sang giải pháp thích ứng linh hoạt với dịch.
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, ngay khi TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp đã bắt tay vào khôi phục lại các hoạt động bất động sản với tâm thế tăng tốc trong quý IV để bù lại thời gian ảnh hưởng dịch bệnh khá nặng nề trong quý III. "Để khôi phục lại thị trường, chúng tôi cũng có kế hoạch tung ra sản phẩm mới để đa dạng hóa các sản phẩm với nhiều phân khúc cho khách hàng lựa chọn", bà Nguyễn Hương cho biết.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, từ khi dịch bệnh xuất hiện, tập đoàn đã nhanh chóng kích hoạt các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp để bảo đảm hoạt động an toàn trong mùa dịch. Trong đó, việc kinh doanh online đã được tập đoàn này đẩy mạnh, nhờ vậy các dự án lớn của tập đoàn tại các tỉnh như: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận... vẫn được khách hàng quan tâm, tìm hiểu đặt hàng.
"Sau khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư được kiểm soát, thị trường bất động sản phía Nam cũng đã có sự thay đổi trong hành vi mua hàng và khách hàng dần chuyển sang kênh mua hàng trực tuyến. Vì vậy, các dự án phát triển khu dân cư và thương mại mới của đơn vị cũng đã linh hoạt hơn với việc thay đổi cách tiếp thị, phân phối sản phẩm của mình qua hình thức trực tuyến để thích ứng với giai đoạn mới", vị đại diện Tập đoàn Novaland nói.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh cho biết, sau dịch bệnh, mỗi doanh nghiệp có thời gian định hướng riêng và xây dựng lại thương hiệu theo hướng kinh doanh mới phù hợp thích ứng với dịch. "Chúng tôi xác định bước đầu tiên là hoàn thiện các dự án, công trình đang còn dang dở vì dịch bệnh. Khi hoàn thành các dự án, chúng tôi sẽ lấy được uy tín để có thể phát triển các dự án khác. Cụ thể, chúng tôi đã triển khai các dự án ở Bình Dương, Đồng Nai với phân khúc từ 1 tỉ đồng trở lên và ghi nhận có khách hàng tìm hiểu, mua đầu tư và an cư. Giá căn hộ này cũng rất hợp túi tiền với người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay", bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết.
Ngoài ra, ngay khi TP Hồ Chí Minh trở lại cuộc sống bình thường mới, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đã và đang đua nhau khởi động lại các dự án mới và đạt kỳ vọng sẽ khôi phục kinh doanh, bởi đây là thời điểm "vàng" để gia tăng doanh thu bù lại những tháng ngày "ngủ đông" vì dịch. Cụ thể, ngày 30/10, UBND thành phố Thủ Đức đã khởi công dự án 1.000 nhà ở xã hội cho công nhân với mức vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng.
Trước đó, Công ty Quốc Lộc Phát cũng khởi động dự án Khu phức hợp Sóng Việt - The Metropole Thủ Thiêm có quy mô gần 7,6 ha thuộc khu chức năng trung tâm số 1, có chức năng là khu phức hợp căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại… Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền vừa tái khởi động dự án Khu biệt thự Armena, quy mô 180 căn tại thành phố Thủ Đức sau hơn 3 tháng ngưng thi công do ảnh hưởng dịch COVID-19. Dự án này có quy mô 4,35 ha, trong đó có 2,3 ha đất công cộng...
Áp dụng phương án "nuôi nợ để đòi nợ"
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, gãy đổ vì họ bị "nợ chồng nợ", không còn đáp ứng được điều kiện vay, không còn "quota" để vay tiếp. Vì vậy, nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh và được vay vốn tiếp để trả nợ cũ thì nên tạo điều kiện cho họ thông qua gói kích cầu hỗ trợ. Giải pháp này từng xuất hiện năm 2008-2009, hay còn gọi là chương trình "tay 3" gồm Nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Trong thời điểm đó, ngân hàng không sợ mất tiền nhưng sợ trách nhiệm nếu khoản vay không đúng quy định. Khi ấy, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý từng dự án cụ thể, linh hoạt gỡ khó, cứu nhiều doanh nghiệp. Nhiều công ty thay vì phá sản thì đã phục hồi phát triển, trả được nợ cũ, không vướng nợ quá hạn.
"Nếu doanh nghiệp xây dựng được phương án vay, được thẩm định và cấp vốn thì có thể làm ra tiền để trả nợ cũ cũng như nợ mới. Chúng tôi gọi là "nuôi nợ để đòi nợ". Nếu dùng phương án "nuôi nợ để đòi nợ" sẽ cứu được rất nhiều doanh nghiệp, kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn. Kinh nghiệm từ giai đoạn trước cũng cho thấy, những doanh nghiệp khó khăn thường sẽ lo làm ăn, trả nợ và không để nợ quá hạn", TS Trần Du Lịch nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nên chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng. Thậm chí, kể cả việc vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết.
"Đối với các doanh nghiệp thì dòng tiền là oxy, việc được ngân hàng thương mại quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng chính là máy trợ thở oxy cho họ", ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Vì vậy, theo ông Lê Hoàng Châu để giúp doanh nghiệp khôi phục và ổn định lại thị trường bất động sản, trước mắt đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ xấu hơn cho các khách hàng. Quan trọng nhất là xem xét cho doanh nghiệp bất động sản, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, tạo điều kiện cho họ phục hồi sản xuất kinh doanh và người mua nhà vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với dịch bệnh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng trong chương trình phục hồi kinh tế trung hạn, thị trường bất động sản phục hồi sẽ là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của kinh tế TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cần các nhóm chính sách khơi thông môi trường đầu tư, kinh doanh, pháp lý... để các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn.
"Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có tới hơn 100 dự án bất động sản tồn đọng cần được gỡ khó, tuy nhiên điểm khó là mỗi dự án lại có điểm vướng khác nhau, cần hướng xử lý khác nhau, vì vậy chính quyền Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc này cho doanh nghiệp. Khi tháo gỡ khó khăn cũng phải quyết liệt vì đây là bước khởi động đầu tiên để thị trường bất động sản được phục hồi", TS Trần Du lịch kiến nghị.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vừa qua, Thành phố đã tạo hành lang pháp lý, bình đẳng trong thu hút đầu tư, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn. Sở cũng tăng cường quản lý sàn giao dịch bất động trên địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; tiếp tục đẩy mạnh công bố thông tin dự án đầu tư nhà ở, khu đô thị đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đẩy nhanh vốn đầu tư công... để người dân nắm rõ thông tin khi quyết định đầu tư, mua để ở. Đặc biệt, Thành phố luôn tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận các dự án trên địa bàn và cam kết hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp có thêm điều kiện khôi phục sau mùa dịch.