Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, Quyết định 767/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Phú Quốc (Kiên Giang) đến năm 2040 đã xác định mục tiêu quy hoạch phát triển TP Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời, trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chính trị - văn hóa.
Bên cạnh đó, quy hoạch Phú Quốc trở thành một không gian sống có chất lượng và gắn bó với người dân trên đảo, quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đứng trước cơ hội trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc, một thành phố đáng sống bậc nhất, với những thế mạnh riêng có, Phú Quốc đang dần chuyển mình để sẵn sàng trở thành điểm đến an cư, đầu tư đắt giá. Một “cuộc cách mạng” thực sự về mở rộng và hiện đại hóa không gian đô thị đang dần hình thành tại Phú Quốc.
Trước bối cảnh này, các nội dung: Tiềm năng và cơ hội dẫn đầu, sức sống tiên phong của thị trường bất động sản Phú Quốc; nhận diện xu hướng dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản Phú Quốc nói chung và phân khúc bất động sản đô thị cao cấp nói riêng; lựa chọn phân khúc đầu tư bất động sản tại thị trường Phú Quốc; sức hấp dẫn - cạnh tranh của phân khúc bất động sản cao cấp đô thị Phú Quốc với các thị trường khác; sở hữu nhà ở cao cấp tại Phú Quốc: Lựa chọn dự án, cơ hội sinh lời khi đầu tư; quản trị dòng tiền khi đầu tư vào phân khúc bất động sản nhà ở đô thị cao cấp tại Phú Quốc... được đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia BĐS thảo luận trực tuyến với các nhà đầu tư.
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam cho hay, trong giai đoạn 3 - 5 năm trước, tại thị trường Phú Quốc có đến trên 90% nhà đầu tư tham gia vào phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi gặp phải những vướng mắc nhất định về pháp lý khi đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, tâm điểm đầu tư đang dần hướng về các dự án nhà ở và khu đô thị sở hữu lâu dài, có pháp lý minh bạch, với khoảng 60 - 65% nhà đầu tư quan tâm lựa chọn phân khúc này.
Đại đa số nhà đầu tư đều lựa chọn phương thức đầu tư dài hạn, với kỳ vọng sản phẩm sẽ tăng giá gấp nhiều lần trong những năm tới. Ghi nhận về giá BĐS ở thời điểm hiện tại, mức độ tăng trưởng hơn 20%/năm, dự kiến dư địa tăng giá đất của Phú Quốc còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, quỹ đất phục vụ cho phát triển nhà ở và khu đô thị ở Phú Quốc ngày càng khan hiếm. Trong sự dịch chuyển của xu hướng đầu tư vào thị trường Phú Quốc, Meyhomes Capital là dự án hấp dẫn của tập đoàn Tân Á Đại Thành đến với nhiều nhà đầu tư cũng như giới thượng lưu về một thành phố biển đáng đến, đáng sống của Việt Nam, cũng như của quốc tế.
Còn theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, trong định hướng quy hoạch tương lai, 4 mũi nhọn của Phú Quốc cần phát triển là: Kinh tế du lịch; cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng; trung tâm khoa học và dịch vụ chất lượng cao; kinh tế biển. Điều kiện tiên quyết để thực hiện được những mũi nhọn này là cải cách thể chế. Theo đó, các nhà đầu tư hàng đầu phát triển dự án đô thị cần định hình lại Phú Quốc với 3 trụ cột dân số: Những cư dân gốc tại Phú Quốc; những người giàu có nhu cầu nghỉ dưỡng và định cư lâu dài; những người giỏi tới làm việc tại Phú Quốc. Không gian hoạt động của Phú Quốc sẽ phải định hình được dòng khách, dòng dân số để có thể định hình phát triển lại các sản phẩm...
Do vậy, về mặt thể chế, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét cởi mở hơn trong các chính sách liên quan đến Phú Quốc, quy hoạch gắn với thể chế phát triển về cả kinh tế và dân số.