Người dân không dễ giám sát đất đai

Luật Đất đai cũng quy định người dân có thể thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai...

Vẫn “mù mờ” thông tin

Luật Đất đai 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014, quy định người dân có quyền tham gia giám sát việc lập, điều chỉnh, công bố thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; việc thu hồi, bồi thường và tái định cư… Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải công khai những thông tin trên; khi nhận được ý kiến của người dân thì phải kiểm tra, xử lý và trả lời, thông báo kết quả đến người dân.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt việc công khai thông tin. Về phía người dân, nhiều người còn chưa biết tới quyền giám sát này hoặc biết nhưng lại thờ ơ. Họ không được tham gia ý kiến vào việc quản lý và sử dụng đất đai, dẫn đến những mâu thuẫn trong việc quản lý và sử dụng đất đai ở nhiều nơi.

Đơn cử như vụ việc tại tổ 31 phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) trong dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội (giai đoạn II). Đại diện cho hàng chục hộ gia đình có đất bị thu hồi, bà Đặng Thị Lan Anh cho biết, năm 2010 các hộ dân được chính quyền mời đến UBND phường để nghe thông báo về việc thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến năm 2015, về phía đơn vị GPMB không có thêm thông tin gì, đến khi bà Lan Anh đến UBND quận Hoàng Mai tìm hiểu thì mới nhận được phương án dự thảo hỗ trợ, đền bù GPMB đối với diện tích đất bị thu hồi để phục vụ dự án. Trong khi bà và các gia đình khác chưa có ý kiến đồng ý với mức hỗ trợ thì tiếp tục nhận được phương án bồi thường GPMB chính thức, kèm một số văn bản, như: Quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cùng với Thông báo về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đền bù GPMB, tất cả trong cùng một ngày.

Người dân làm thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.

Theo các hộ dân, Hội đồng đền bù GPMB quận Hoàng Mai đã không thông báo cụ thể về chủ trương thu hồi đất, chính sách hỗ trợ, đền bù tái định; kê khai, xác minh nguồn gốc đất cũng như tài sản trên đất không được thực hiện theo trình tự, quy định của luật. Người dân “mù mờ” thông tin, không thể thực hiện giám sát dẫn đến việc không đồng tình với phương án GPMB.

Tại nhiều địa phương, tình trạng tương tự như trên không phải là hiếm gặp. TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, người dân không biết và không được thực hiện quyền giám sát đất đai là một trong những lý do dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”, khiếu kiện, tranh chấp ngày càng nhiều...

Phải thực thi kết quả giám sát

GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai cũng quy định người dân có thể thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai... Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động giám sát thậm chí của các tổ chức đại diện như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban thanh tra nhân dân... ở nhiều địa phương vẫn chưa được như mong muốn.

Ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam) cũng thừa nhận, thực tế hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ các cấp đối với những chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do quy định về vai trò giám sát của MTTQ còn chưa cụ thể; nhận thức của chính quyền một số nơi chưa đầy đủ và đội ngũ cán bộ MTTQ còn thiếu và yếu. “Không ít nơi, MTTQ và các đoàn thể chưa mạnh dạn giám sát và phản biện, vẫn còn có biểu hiện giám sát, phản biện theo kiểu “lựa chiều”, phản biện theo ý của người lãnh đạo hay người có thẩm quyền”, ông Vượng cho biết.

Theo GS Đặng Hùng Võ, để người dân cũng như các tổ chức có thể phát huy được quyền giám sát của mình thì Nhà nước phải công khai, minh bạch thông tin; người dân cần nhận thức được quyền tham gia và được trợ giúp thực hiện tham gia giám sát. Đồng thời, cơ quan quản lý thực hiện trách nhiệm giải trình và xử lý theo đúng ý kiến giải trình khi người dân thực hiện quyền giám sát. Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã, điểm dân cư, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở, các tổ chức xã hội tại địa phương phối hợp tổ chức giúp người dân thực hiện quyền tham gia của mình.

Theo các chuyên gia, hoạt động giám sát, phản biện chỉ thực sự có hiệu quả khi những kết quả giám sát được tiếp thu. PGS, TS Nguyễn Quang Tuyến ( Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh: “Cần tránh tình trạng giám sát phản biện xong thì chỉ tiếp thu kết quả rồi đâu lại vào đó. Do đó cần có quy định cụ thể hơn về việc thực hiện kết quả giám sát”.
Bài và ảnh: Thu Trang
Chậm xử lý sai phạm đất đai tại Ngọc Thụy, Long Biên
Chậm xử lý sai phạm đất đai tại Ngọc Thụy, Long Biên

Quận Long Biên xử lý vi phạm quản lý đất đai tại phường Ngọc Thụy rất chậm, chủ yếu là chỉ đạo "trên giấy", gây bức xúc trong người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN