Khu đất bị sử dụng trái pháp luật được xây dựng tường bao kiên cố. Ảnh: Nguyễn Văn Thắng - TTXVN |
Hơn 17.000 m2 đất nông nghiệp, đất công ích trên địa bàn phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) được chủ đầu tư "hô biến" thành 22 thửa đất nhỏ giao cho 17 cá nhân sử dụng bất hợp pháp. Sai phạm nối tiếp sai phạm là tại một số thửa đất đã mọc lên những công trình sai phép như nhà ở, sân vườn, tường rào… tồn tại nhiều năm qua, nhưng chính quyền địa phương cùng các ban, ngành chức năng của quận Long Biên xử lý vi phạm rất chậm, chủ yếu vẫn là những chỉ đạo "ở trên giấy", gây bức xúc trong nhân dân.
Từ năm 2008, UBND phường Ngọc Thụy đã lập phương án “Cải tạo khu vườn nhãn (hay còn gọi là dự án 327) kết hợp du lịch sinh thái để tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất” với tổng diện tích đất lập dự án là 27.253 m2. Đây là một chủ trương đúng nhằm đẩy mạnh chuyển dịch, phát triển kinh tế đã được UBND quận Long Biên phê duyệt. Trên cơ sở đó, UBND phường đã lập hồ sơ và tổ chức đấu thầu số diện tích đất trên. Kết quả, ông Hoàng Minh Nam, trú tổ 20, phường Long Biên, quận Long Biên đã trúng thầu diện tích 17.158.8 m2 với thời hạn 20 năm, chu kỳ hợp đồng là 5 năm. Mỗi năm ông Hoàng Minh Nam phải nộp 310kg thóc/sào.
Tuy nhiên, sau khi ký Hợp đồng kinh tế số 20/HĐ - TĐCI ngày 20/10/2008 với UBND phường Ngọc Thụy, ông Nam đã không tổ chức sản xuất mà đến năm 2010 lại viết giấy ủy quyền (không qua công chứng) cho ông Lê Thanh Chiến trú tại phường Tây Trà, quận Hoàng Mai tiếp tục thực hiện dự án. Từ đây, sai phạm nghiêm trọng bắt đầu nảy sinh, khi ông Chiến dùng tư cách pháp nhân của Công ty cổ phần sản xuất của người khuyết tật và thương binh Hà Nội (do ông Chiến làm Giám đốc) để huy động vốn của các hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện dự án. Với chiêu thức "bán trời không văn tự", ông Chiến đã chia khu đất 17.158.8 m2 thành 22 thửa đất giao cho 17 cá nhân khai thác sử dụng bất hợp pháp với diện tích từ 800 đến 4.000m2. Sai phạm hơn là một số hộ dân đã tự xây dựng nhà ở không phép trong khu vực dự án và chuyển đến sinh hoạt ăn ở thường xuyên từ nhiều năm nay.
Một hộ gia đình dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp, đất công ích của Nhà nước bất hợp pháp. Ảnh: Nguyễn Văn Thắng - TTXVN |
Trước những dấu hiệu sai phạm trên, từ năm 2014, UBND quận Long Biên đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý và thực hiện phương án cải tạo khu vườn nhãn kết hợp du lịch sinh thái phường Ngọc Thụy và đã có kết luận chỉ rõ các sai phạm của cả chủ đầu tư và chính quyền phường. Theo kết luận của UBND quận Long Biên, việc ông Hoàng Minh Nam và ông Lê Thanh Chiến tự ý thực hiện ủy quyền, chuyển giao toàn bộ diện tích đất cho người khác thực hiện, tổ chức góp vốn đầu tư (thực chất là san nhượng từng phần phương án) sai với nội dung phương án được duyệt như: chia nhỏ diện tích phương án, xây dựng các công trình không phép, đưa hộ gia đình, cá nhân vào trong khu vực này để ăn ở thường xuyên làm sai mục đích sử dụng đất là vi phạm nghiêm trọng nội dung phương án, kết quả đấu thầu được UBND quận phê duyệt và Luật Đất đai 2003; có dấu hiệu thu lợi bất chính vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, UBND phường Ngọc Thụy đã thiếu kiểm tra, không phát hiện kịp thời và không có biện pháp ngăn chặn, xử lý sai phạm là buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai. Đặc biệt, UBND phường và Thanh tra xây dựng quận đã không xử lý dứt điểm các công trình sai phạm về trật tự xây dựng ngay từ thời điểm kiểm tra, phát hiện vi phạm ban đầu. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo UBND phường và các cán bộ liên quan giai đoạn 2008 – 2014.
Cũng tại kết luận thanh tra này, UBND quận đã giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp với UBND phường Ngọc Thụy tham mưu UBND quận xây dựng kế hoạch, cưỡng chế dỡ bỏ công trình vi phạm trật tự xây dựng trong phạm vi diện tích “phương án” được UBND quận phê duyệt theo quy định của pháp luật. UBND phường Ngọc Thụy phải tổ chức thu hồi số tiền nợ sản lượng và chấm dứt hợp đồng, thu hồi dự án đối với ông Hoàng Minh Nam do có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tổ chức thực hiện phương án; đồng thời xây dựng kế hoạch quản lý đối với diện tích đất công này sau thu hồi.
UBND quận cũng giao Công an phường Ngọc Thụy xử lý di dời các trường hợp đang sử dụng công trình trong phương án để lưu trú, sinh sống và ăn ở thường xuyên; Giao đoàn thanh tra hoàn thiện hồ sơ, tham mưu UBND quận lập và chuyển hồ sơ đến cơ quan Công an quận Long Biên để điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Hoàng Minh Nam và các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Mặc dù kết luận thanh tra của quận Long Biên đã chỉ rõ các sai phạm, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền phường phải triển khai khắc phục, xử lý dứt diểm các sai phạm tồn tại. Song, theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực dự án, đến thời điểm này, hơn 1 năm sau khi có kết luận thanh tra, các sai phạm không những ngang nhiên tồn tại mà còn có những biểu hiện thách thức chính quyền địa phương, kiên quyết không chấp hành các biện pháp xử lý đối với những sai phạm của mình. Hiện tại khu vực dự án này vẫn còn 3 nhà cấp 4 và một nhà gỗ khang trang xây dựng trái phép tồn tại. Trong đó, có 2 hộ chuyển đến lưu trú, ăn ở thường xuyên từ nhiều năm nay.
Trả lời câu hỏi: “Có hay không việc chính quyền sở tại và các đơn vị chức năng “bất lực” hay “phớt lờ” chỉ đạo của UBND quận Long Biên trong việc xử lý vi phạm tại dự án này”, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận và UBND phường Ngọc Thuỵ đều thừa nhận việc chậm triển khai xử lý theo kết luận thanh tra do một số vướng mắc chủ quan và khách quan. Song đại diện lãnh đạo 2 đơn vị này đều khẳng định quyết tâm trong tháng 4/2016 sẽ xử lý kiên quyết, dứt điểm xong các sai phạm tại đây; đồng thời lên phương án khác để khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất công ích này.
Sai phạm và việc nhìn nhận sai phạm đã rõ ràng, vụ việc hơn 17.000 m2 đất công ích tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đang phản ánh một tình trạng “trên bảo dưới không nghe” trong việc đảm bảo tiến độ xử lý một trường hợp vi phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng đô thị khi đã có kết luận cuối cùng. Sự việc này không chỉ làm giảm hiệu quản quản lý nhà nước mà còn làm giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vụ vi phạm. Đây còn là “kẽ hở” để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi gây thất thu cho ngân sách địa phương.
Siết chặt kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng và văn minh đô thị đang là ưu tiên hàng đầu của chính quyền thành phố Hà Nội trong những năm gần đây. Vụ việc như ở phường Ngọc Thụy đòi hỏi quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền quận Long Biên và những động thái triển khai tích cực của phường Ngọc Thuỵ để xử lý triệt để các vi phạm kéo dài.