Theo UBND thành phố Hà Nội, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND thành phố Hà Nội đã có các quyết định gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đối với các dự án của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bản giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.
Thời gian gia hạn là 24 tháng kể từ ngày UBND thành phố Hà Nội ký quyết định gia hạn theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và Điểm c, Khoản 12, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ- CP của Chính phủ. Đến nay, một số dự án đã hết thời gian gia hạn hoặc gần hết thời gian gia hạn sử dụng đối 24 tháng nhưng chủ đầu tư chưa đưa đất vào sử dụng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19.
Để xử lý, giải quyết việc gia hạn đối với trường hợp bất khả kháng này, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tại Văn bản 2198, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thống nhất xác định dịch bệnh COVID-19 thuộc trường hợp bất khả kháng, thời gian ảnh hưởng tính từ ngày 23/01/2020 (là ngày công bố dịch theo Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đến ngày 11/10/2021 (ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19) là 21 tháng, không tính vào thời gian các dự án được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Thời điểm tính áp dụng kéo dài thời gian gia hạn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (trường hợp bất khả kháng) kể từ ngày UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định áp dụng đối với từng dự án (áp dụng tương tự như trường hợp được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định tại Điểm c, Khoản 12, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ).
Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì cùng các sở, ngành liên quan căn cứ các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành để thống nhất xác định thời gian cụ thể ảnh hưởng bởi dịch bệnh thuộc trường hợp bất khả kháng đối với từng dự án. Trên cơ sở thống nhất xác định thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở tổng hợp, báo cáo, kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, ký ban hành quyết định áp dụng kéo dài thời gian gia hạn do nguyên nhân bất khả kháng cho từng dự án.
Bên cạnh đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội xem xét thu các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong thời gian được kéo dài thời gian gia hạn (nếu có) đối với từng dự án; trường hợp có vướng mắc, khó khăn chủ động xin ý kiến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để được hướng dẫn thực hiện.
Đối với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã, trong thời gian thành phố xem xét, quyết định kéo dài thời gian gia hạn do nguyên nhân bất khả kháng, căn cứ tình hình thực tế triển khai của từng dự án, chủ động rà soát, giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền, tạo điều kiện để chủ đầu tư tự khắc phục, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đồng thời, chịu trách nhiệm về giải quyết các thủ tục hành chính.
Đối với các dự án hết thời gian được kéo dài thời gian gia hạn theo quyết định áp dụng trường hợp bất khả kháng mà chủ đầu tư chưa đưa đất vào sử dụng thì UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo thành phố (qua Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) lập hồ sơ, trình UBND thành phố quyết định thu hồi đất theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến ngày 27/6/2023, trong tổng số 712 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai; trong đó, có 135 dự án vốn ngoài ngân sách chưa có quyết định giao đất cho thuê đất, 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý. Đến nay, thành phố đã xử lý được 419 dự án.
Đối với 293 dự án còn lại cần tiếp tục xử lý, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thực hiện 137 dự án; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 81 dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện 11 dự án; Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thực hiện 17 dự án; 46 dự án giao các ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã..
Thực hiện chỉ đạo sát sao của Thành ủy Hà Nội và sự giám sát chặt chẽ của HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật.
UBND thành phố tiếp tục chủ trì cùng các sở ngành tổ chức rà soát, làm việc với từng UBND quận, huyện, thị xã để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai và phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố theo dõi, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án, cơ bản xử lý xong trong năm 2023. Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã xem xét, chỉ đạo đối với 64 dự án tại huyện Mê Linh, 11 dự án tại huyện Quốc Oai, 28 dự án tại huyện Thạch Thất, 50 dự án tại quận Cầu Giấy và 62 dự án tại quận Nam Từ Liêm.