“Định” tuổi thọ công trình: Khối lượng nhiều - thời gian gấp

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Phóng viên TTXVN trao đổi với ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này.

Để đánh giá thẩm định một công trình về mức độ an toàn chịu lực, vừa qua Bộ Xây dựng đã ban hành quy trình thẩm định như thế nào?

Theo quy trình được Bộ Xây dựng ban hành, việc kiểm định, đánh giá mức độ an toàn chịu lực của các công trình được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là khảo sát, đánh giá sơ bộ; giai đoạn thứ hai là khảo sát và đánh giá chi tiết.

Chung cư U18 Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng thuộc diện cũ nát, sẽ được xây dựng lại trong thời gian tới. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Ở giai đoạn thứ nhất, việc khảo sát và đánh giá sơ bộ dựa trên các dấu hiệu bên ngoài của công trình. Kết quả sẽ phân ra mức độ về khả năng chịu lực của công trình thành 3 mức: vẫn sử dụng bình thường; vẫn đáp ứng được yêu cầu sử dụng, tuy nhiên phải tiến hành kiểm định, đánh giá chi tiết; công trình phải đánh giá, khảo sát chi tiết nhưng bên cạnh đó phải có những biện pháp kỹ thuật để xử lý cho công trình có những dấu hiệu nguy hiểm.

Giai đoạn thứ hai khảo sát đánh giá chi tiết được áp dụng theo tiêu chuẩn hiện nay vẫn đang sử dụng là tiêu chuẩn Việt Nam 9381 năm 2012 và kết quả đánh giá chia làm 4 cấp độ. Đầu tiên là cấp độ A – tức là công trình vẫn đáp ứng được các yêu cầu sử dụng bình thường. Cấp độ B – công trình vẫn sử dụng được, tuy nhiên có những cấu kiện cục bộ xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm. Cấp độ C là các bộ phận của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm và công trình cần phải có những giải pháp xử lý gia cường. Cuối cùng là cấp độ D – công trình nhà nguy hiểm cần phải xử lý ngay, phải di dời, phải dỡ bỏ hoặc chống đỡ. Tuổi thọ công trình xây dựng sẽ được “quản” và giám sát một cách chặt chẽ khi thực hiện có hệ thống, đồng bộ các phần việc này.

Thưa ông, đối với các công trình chung cư cũ, việc phân loại cấp độ an toàn chịu lực cũng như là mức độ xuống cấp sẽ căn cứ theo tiêu chí nào? Khi nào thì người dân vẫn yên tâm sử dụng và đâu là ngưỡng nguy hiểm buộc phải di dời?

Tiêu chí để phân định mức độ an toàn công trình theo khả năng an toàn kết cấu chịu lực, đồng nghĩa với khả năng an toàn cho người sử dụng công trình. Hiện chúng tôi đã phân làm 4 cấp độ: A, B, C, D. Về cơ bản người dân có thể yên tâm sử dụng nếu công trình ở mức độ A, B, C. Riêng cấp độ D phải có biện pháp xử lý kịp thời như chống đỡ, di dời, tháo dỡ ngay.

Tuy nhiên, tổng thể ở cấp độ nào thì các công trình đều phải có biện pháp xử lý kỹ thuật để đảm bảo an toàn và tuổi thọ công trình. Mới đây Hà Nội công bố trên địa bàn Thủ đô sẽ có 10 khu chung cư cũ dự kiến cải tạo và xây mới bởi đều xuống cấp, nguy hiểm với con số kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khoảng 316.000 tỷ đồng.

Trên thực tế có rất nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu chờ lâu có thể xảy ra sự cố trước khi thẩm định, đặc biệt, là số lượng lớn các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vậy làm thế nào để hoàn thành được công tác thẩm định đánh giá và lộ trình thực hiện ra sao, thưa ông?


Đúng là hiện nay trên cả nước tồn tại rất nhiều công trình mà thuộc phạm vi phải thẩm định theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian rất gấp, cuối năm 2016 phải xong giai đoạn 1, cuối năm 2017 phải sang giai đoạn 2. Tôi cho rằng, để làm được việc này, đối với các đơn vị tư vấn kiểm định nên sử dụng một hoặc kêu gọi nhiều tổ chức kiểm định có đủ năng lực để tham gia cùng.

Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, đặc biệt là ở các địa phương cần bố trí đủ kinh phí cho công tác này và kịp thời theo sát khối lượng công việc thực hiện. Cùng đó, các cơ quan quản lý cũng như tổ chức tư vấn kiểm định cũng nên xem xét sử dụng lại kết quả kiểm định của các công trình đã được thực hiện.

Một vấn đề rất quan trọng nữa là tìm sự đồng thuận của người dân tham gia hỗ trợ cùng cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự đồng thuận của các tổ chức kiểm định để thực hiện tốt.

Theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng, UBND các tỉnh thành phố là đầu mối để thực hiện việc này. Tuy nhiên, thực hiện hoạt động kỹ thuật bên dưới phải là tổ chức tư vấn kiểm định có đủ năng lực để thực hiện việc đánh giá. Nếu chúng ta mời các cơ quan kiểm định độc lập thì đấy chính là hoạt động dịch vụ trong công tác kiểm định đánh giá. Bất kỳ một công trình nào, một dự án nào đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Xây dựng; các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Để đẩy nhanh được tiến độ, trong khi khối lượng công việc rất lớn thì phải có sự phối hợp đồng bộ các bước để có thể làm nhanh, làm ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo trên nền tảng cơ sở tuân thủ luật pháp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng (TTXVN)
Bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ Hà Nội  - Bài cuối
Bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ Hà Nội - Bài cuối

Ông Hoàng Tú, Trưởng Ban 61 (thực hiện Nghị định 61/NĐ-CP về mua bán và kinh doanh nhà ở), Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng, giám sát thường xuyên để phát hiện nhà xuống cấp, đề xuất phương án khắc phục là trách nhiệm của các chủ sở hữu biệt thự cổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN