Nhà đầu tư thận trọng
Từ năm 2021 đến nay, thị trường nhà đất tại các khu vực ven Hà Nội liên tục ghi nhận những đợt sốt đất chạy theo thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng, nâng cấp huyện lên quận, khiến giá đất liên tục tăng, xác lập mặt bằng giá mới.
Đơn cử, tại huyện Đông Anh, trong đợt "sốt" cuối quý I/2021 khi có thông tin quy hoạch đô thị ven sông Hồng, giá nhà đất tại các xã Kim Chung, Xuân Canh, Hải Bối... tăng 2 lần so với thời điểm cuối năm 2020. Đến quý I/2022năm nay, giá nhà đất tại các xã này lại ghi nhận tăng thêm 20 - 30% so với cũng kỳ năm trước...
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, thời điểm sốt đất đạt đỉnh cuối quý I/2021, đất nền dự án trên địa bàn huyện Đông Anh giá trung bình 50 - 80 triệu đồng/m2, mặc dù giá đến nay vẫn được giữ nguyên, nhưng gần như không có giao dịch. Nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch khu vực này cho biết, từ đầu năm 2022, giá đất đã đứng im, thậm chí, nhiều chủ đầu tư giảm mạnh giá, rao bán cắt lỗ, nhưng cũng không bán được, thị trường đang rơi vào tình trạng ảm đạm.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, những điểm nóng đất nền ven Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm đều rơi vào thực trạng đất nền có mức độ quan tâm giảm, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tiếp tục tăng.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam nhận định, những đợt sốt đất đã đẩy giá đất ở lên cao hơn nhiều giá trị thật và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền đầu tư, kể cả lướt sóng.
Công khai thông tin
Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Nghị định 44/2022 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, trong đó, đề nghị UBND các địa phương kiểm tra việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, bảo đảm sự vận hành của hệ thống cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS, nhất là thông tin vế các dự án BĐS cần được công bố trước khi chủ đầu tư đưa BĐS ra giao dịch.
Đối với các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị phối hợp trong việc kết nối, chia sẻ thông tin từ các cơ sở dữ liệu có liên quan do bộ, ngành quản lý, đảm bảo việc duy trì, kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS.
Trong báo cáo đánh giá toàn diện thị trường BĐS năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng thông tin, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS hiện chưa đầy đủ, hoàn chỉnh. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường BĐS; hàng quý có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh doanh BĐS, thị trường BĐS cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường phát triển ổn định.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch BĐS và hoạt động môi giới BĐS vi phạm pháp luật, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.
Các chuyên gia cho rằng, Quốc hội cần ban hành các Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh BĐS mới, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Trong đó, nội dung thông tin đất đai, nhà ở và thị trường BĐS phải tương thích, phối hợp với nhau thành một chỉnh thể thống nhất.
Trong đó, đưa vào các luật nội dung tính toán các chỉ số giá đất, giá nhà, giá BĐS; chỉ số thị trường đất đai, thị trường nhà ở và thị trường BĐS theo hướng: Cập nhật tự động theo thời gian; thông tin phải phủ trùm cả nước; thông tin đất đai, nhà ở, BĐS phải kết nối thông tin với dữ liệu cá nhân (Căn cước công dân…); thông tin phải công khai, minh bạch và dự báo được; sử dụng thông tin có tính phí...