Chung cư cao cấp tranh chấp triền miên: Vì đâu nên nỗi?

Bỏ ra cả mấy tỷ đồng với ước mong an cư, được sống trong căn hộ đẳng cấp, văn minh nhưng nhiều người mua chung cư lại phải “nuốt cục nghẹn” vì những vi phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư. Tranh chấp chung cư vẫn đang là vấn đề khiến nhiều người dân bức xúc.

Mua nhà tầng 22B, nhận nhà... tầng 27

Chị Vũ Phương Liên chỉ tay lên con số 27 trong thang máy và nói: “Nhà tôi bây giờ ở tầng 27, sát với căn penthouse trên mái. Nhưng hợp đồng tôi mua nhà là căn hộ ở tầng 22B”.

Đứng bên cạnh, anh Xuân Cường bức xúc không kém: “Nhà tôi mua tầng 12B nhưng trong thang máy lại không có tầng 12B mà phải lên tầng 17 mới vào được nhà mình”.

Chủ đầu tư thay đổi số tầng so với hợp đồng mua bán khi giao nhà cho các hộ dân.

Câu chuyện hi hữu tưởng như đùa này lại có thật. Nó đang xảy ra tại tòa chung cư Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Từ hơn 1 tháng nay, chị Liên cùng với nhiều cư dân khác tại tòa chung cư cao cấp này phải “ôm cục tức” vì chủ đầu tư tòa nhà đột nhiên điều chỉnh số tầng trong thang máy khiến cư dân “khóc dở mếu dở”.

Chị Liên kể lại: “Tôi ký hợp đồng mua nhà ở tầng 22B nhưng khi nhận nhà là tầng 24. Khi đó chủ đầu tư giải thích thang máy chưa điều chỉnh. Sau đó 1 tháng, tất cả thang máy trong tòa nhà được điều chỉnh về đúng tầng thật và nhà mình bị đẩy lên tầng 27. Cư dân ở đây đã thắc mắc lên chủ đầu tư rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung”.

Điều khiến các hộ dân bức xúc hơn là chủ đầu tư ép cư dân phải ký biên bản bàn giao nhà. Khi cư dân không chịu ký biên bản bàn giao vì chủ đầu tư làm sai hợp đồng mua bán thì chủ đầu tư lại cắt điện, nước của các nhà không chịu ký vào tối 7/1 vừa qua.

Căn hộ 100 m2 chị Lê Hải Yên mua với giá 5,2 tỷ đồng với lời hứa hẹn về một căn hộ đẳng cấp 5 sao. Thế nhưng giá tiền không đi liền đẳng cấp. Nhà chị Yên là một trong những gia đình bị chủ đầu tư tòa nhà Artemis cắt nước do không chịu ký biên bản bàn giao nhà.

“Chủ đầu tư đã tự ý đổi căn hộ nhà tôi từ tầng 7 thành tầng 10. Trong tháng máy cũng không có tầng 7. Tôi không kí biên bản bàn giao thì họ tự ý cắt điện cắt nước trong khi tôi đã đóng đủ tiền nhà và tiền điện, tiền nước không thiếu một tháng nào”, chị Yên bức xúc.

Giá căn hộ tại Artemis lên đến cả 4 - 5 tỷ đồng/căn nhưng cư dân nơi đây vẫn phải "ngậm cục tức".

Chung cư Artemis từng được quảng cáo là dự án đẳng cấp khi nằm ngay mặt đường vành đai 2 Trường Chinh đang được mở rộng. Theo tìm hiểu của phóng viên, khi dự án được rao bán, chủ đầu tư giới thiệu dự án có 6 tầng thương mại dịch vụ, phía trên là khu căn hộ. Tuy nhiên sau đó chủ đầu tư đã xin điều chỉnh thiết kế tòa nhà, tăng thêm 3 tầng trung tâm thương mại. Do đó, số tầng của khu căn hộ bị “đội” thêm 3 tầng.

Điều đáng nói các cư dân mua nhà không hề được thông báo điều này. Chỉ đến khi nhận nhà, họ mới lâm vào “sự đã rồi”. Bên cạnh vấn đề số tầng, chất lượng xây dựng của một số căn hộ cũng không đảm bảo, phí dịch vụ trông xe quá cao, chủ đầu tư không tổ chức hội nghị cư dân tòa nhà bầu ban quản trị... cũng là những vấn đề khiến người mua nhà ở Artemis bức xúc.

Lý giải bức xúc của cư dân khi nhận nhà không đúng hợp đồng, đại diện chủ đầu tư dự án - Công ty CP ACC Thăng Long, ông Đoàn Thành Nhân, PGĐ điều hành cho biết: “Kiến trúc của tòa nhà liên quan đến số tầng bị thay đổi dẫn đến việc trong hợp đồng thì số tầng thế này nhưng khi bàn giao thì số tầng thế khác”.

Lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết đã nắm bắt tình hình và yêu cầu chủ đầu tư phải đối thoại với người dân. Tuy nhiên cuộc đối thoại mới đây giữa chủ đầu tư ACC Thăng Long và cư dân Artemis không đi đến kết quả như mong muốn. Cư dân đòi chủ đầu tư phải bồi thường vì đã bàn giao sai số tầng, tuy nhiên phải chờ thêm nhiều ngày nữa sau khi chủ đầu tư cam kết sẽ điều chỉnh lại đúng số tầng như hợp đồng.

Đất xây trạm biến thế biến thành bệnh viện ung bướu

Chỉ tay về phía lô đất có kí hiệu ĐMKT1 tại khu đô thị Đoàn ngoại giao (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chị Trần Thị Trang, một cư dân tại đây cho biết, quy hoạch đã bị điều chỉnh tùy tiện.

Tháng 5/2017, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu Đoàn ngoại giao Hà Nội. Trong đó, có điều chỉnh khu đất có ký hiệu ĐMKT1 ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Lô ĐMKT1 rộng hơn 4.800 m2 được chuyển từ đất đầu mối kỹ thuật dự kiến xây dựng trạm biến thế sang đất xây bệnh viện ung bướu 12 tầng và 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 40%.

“Việc điều chỉnh quy hoạch này thiếu sự tham vấn ý kiến của các cư dân sinh sống tại khu đô thị Đoàn ngoại giao. Đặc biệt là, dự án xây dựng bệnh viện được khởi công từ tháng 3, tức là trước cả khi quy hoạch được điều chỉnh”, chị Trang phản ánh.

Nhiều người dân ở khu đô thị này đang rất lo lắng việc xây dựng bệnh viện ung bướu sẽ gây ra hệ lụy về sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, công trình bệnh viện ung bướu được xây sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ khu Đoàn ngoại giao cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện.

Cư dân ở khu Ngoại giao đoàn phản đối chủ đầu tư phá vỡ quy hoạch.

Về phía chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) chỉ giải thích rằng, việc điều chỉnh quy hoạch khu đất ĐMKT1 để xây bệnh viện ung bướu do Hancorp đề xuất và đã được cơ quan chức năng phê duyệt.

Trước đó, TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn với việc thay đổi công năng, tăng mật độ xây dựng. Một số lô đất trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng chỉ trên 20% thì nay tăng lên gấp đôi. Nhiều công trình công cộng có tầng cao trung bình 5 tầng thì được chuyển đổi sang đất dịch vụ thương mại văn phòng, với tầng cao công trình gấp 3 lần, chưa kể tầng hầm. Những lô có chiều cao trung bình 7 tầng cũng được điều chỉnh lên 27 tầng, cộng thêm 3 tầng hầm...

Sau khi quy hoạch này được công bố, cư dân khu đô thị đã nhiều lần căng băng rôn phản đối Hancorp thay đổi quy hoạch và cho rằng họ không được xin ý kiến về những điều chỉnh đó.

Không xử dứt điểm,  tranh chấp còn bùng phát

Năm 2017 có thể nói là một năm bùng nổ tranh chấp tại các khu chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp, đắt tiền. Tình trạng này diễn ra gay gắt đến nỗi cuối năm ngoái Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Chỉ riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay thống kê sơ bộ có đến hơn 20 vụ tranh chấp diễn ra tại các khu chung cư. Các vấn đề tranh chấp tập trung vào những nội dung như: bàn giao không đúng tiến độ, chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, tranh chấp phần diện tích chung - riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, phòng cháy chữa cháy... 

Những vụ việc nổi tiếng của năm qua xảy ra tại những khu chung cư cao cấp mà giá không dưới 25 - 30 triệu đồng/m2 như dự án Hồ Gươm Plaza (Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông), Home City Trung Kính, chung cư Goldmark City (Bắc Từ Liêm), Imperia Garden (Nguyễn Huy Tưởng - Thanh Xuân)... Những sự việc này nếu không được xử lý dứt điểm thì nguy cơ bùng phát tranh chấp sẽ còn tiếp tục.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, chuyên gia bất động sản Đặng Hùng Võ cho rằng, tranh chấp chung cư nhiều khi do các chủ đầu tư chưa phải là những chủ đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực để bảo vệ thương hiệu của mình bằng chữ tín. Ngay khách hàng cũng chưa phải là người tiêu dùng chuyên nghiệp. Nhìn vào hợp đồng không biết nên kí cái gì, không nên kí cái gì, nên đưa điều khoản nào, xóa điều khoản nào, điều khoản này chủ đầu tư viết vậy hiểu là gì. Tất cả những chuyện đó đều mù mờ.

“Chúng ta cần những người khách hàng hiểu biết pháp luật, hiểu hợp đồng, cần viết cái gì để bảo vệ lợi ích cho mình... Tôi cho rằng việc mua bán chung cư hiện vẫn chưa đạt được tính chất của một thị trường chuyên nghiệp. Từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư và người mua nhà đều phải chuyên nghiệp. Chắc vẫn cần một thời gian nữa”, ông Võ nói.

Còn với góc độ người làm môi giới bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc nhiều tranh chấp xảy ra có thể nguyên nhân từ việc chủ đầu tư phát ngôn, giới thiệu, quảng cáo dự án vượt quá thực tế.

“Cần phải làm rõ chủ đầu tư trước đây có thực hiện đúng pháp luật hay không. Theo quy định, chủ đầu tư phải công bố đầy đủ thông tin dự án, nếu thông tin không đúng, không đầy đủ và không đảm bảo điều kiện thì phải chịu trách nhiệm trước khách hàng. Trong trường hợp chủ đầu tư không chịu trách nhiệm thì cư dân hoàn toàn có thể đưa ra pháp luật để xử lý”, ông Đính cho hay.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Khu Ngoại giao đoàn sẽ thành Linh Đàm 2 vì tùy tiện điều chỉnh quy hoạch?
Khu Ngoại giao đoàn sẽ thành Linh Đàm 2 vì tùy tiện điều chỉnh quy hoạch?

Hậu quả nhỡn tiền có thể thấy rõ là khu Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sẽ bị biến thành khu Linh Đàm thứ 2 với quy hoạch bị phá vỡ, tắc đường, nhồi nhét, nếu như cư dân khu đô thị này không quyết liệt phản đối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN