Cần Thơ 'đau đầu' với các khu dân cư tự phát

Các khu dân cư tự phát với cơ sở hạ tầng yếu kém, không phù hợp quy hoạch là vấn đề “đau đầu” với thành phố Cần Thơ trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
Băng rôn cảnh báo của UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy được treo tại đường vào một khu dân cư tự phát. 

Trước tình trạng này, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện rà soát, kiểm tra thực trạng từng khu để đề xuất UBND thành phố những biện pháp xử lý.

Tìm hiểu thực tế tại các khu dân cư tự phát tại Cần Thơ, với lý do có nhu cầu mua đất xây nhà ở, một ngày cuối tháng 10/2019, chúng tôi tìm đến một số khu đất ở quận Ninh Kiều đang có rao bán đất nền theo thông tin trên mạng. Tuy nhiên, khi trao đổi với người dân đang sinh sống trong những khu dân cư này, phóng viên đều nhận được lời khuyên nên đi tìm những vị trí có thổ cư vì các nền mà chúng tôi xem đều không thể tiến hành xây dựng.

Tại một khu dân cư tự phát ở hẻm 5, khu vực 1, phường An Bình, quận Ninh Kiều, có nền chủ đất đã đổ đầy cát, gạch, đá nhưng không thấy bóng dáng thợ xây. Người dân cho biết khoảng 3 tuần nay ở khu này không còn tình trạng cất nhà, gia cố nền trái phép nữa. Nguyên nhân là vừa qua cán bộ địa chính đến kiểm tra và yêu cầu ngưng xây dựng nên từ đó tới nay không có ai vào đây xây cất gì nữa.

Còn tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy - nơi được xem là điểm nóng về tình trạng phát sinh các khu dân cư tự phát với trên 30 khu. Tuy nhiên, những ngày này, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để can thiệp, nên tình trạng môi giới bán đất nền trái phép không còn nhộn nhịp như trước. Ngay đường ra vào các khu dân cư này, UBND phường đã treo các băng rôn in các thông tin cảnh báo để người dân được biết.

Ông Mai Văn Điều, Chủ tịch UBND phường Long Hòa thông tin, hiện nay việc xử lý các khu dân cư tự phát hiện hữu đang chờ ý kiến chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Cần Thơ.

Theo Chủ tịch phường Long Hòa, để không phát sinh thêm khu dân cư tự phát nào nữa, hiện hàng ngày phường tuyên truyền cho người dân trên hệ thống loa phát thanh về những quy định khi tách thửa các loại đất, hình thức xử lý hành vi tự ý phân lô, chuyển nhượng xây dựng trái phép, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các trường hợp phân lô bán nền, xây dựng trái phép; treo băng rôn tại các khu dân cư tự phát để cảnh báo người dân.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, qua công tác kiểm tra, rà soát tại 3 quận gồm: Ninh Kiều, Cái Răng và  Bình Thủy, đã phát hiện tổng cộng 148 khu dân cư tự phát, với diện tích mỗi khu từ hơn 2.000 m2 đến hàng chục nghìn m2 đất. Trong  đó, quận Ninh Kiều phát sinh 33 khu đất nông nghiệp thực hiện tách thửa, phân lô trên đất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại 5 phường gồm: An Bình (20 khu), An Khánh (6 khu), Hưng Lợi (3 khu), Cái Khế (2 khu) và An Hòa (2 khu). Hiện chỉ còn 5 khu là đất trống, chưa có cơ sở hạ tầng đường, điện, nước.

Theo UBND quận Ninh Kiều, các khu đất nông nghiệp nêu trên đã được tách ra nhiều thửa, nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích nhỏ và đã thực hiện chuyển nhượng cho nhiều cá nhân. Hiện trạng đa phần đã san lấp cát, có trụ cột và dây điện, đã lắp đặt đường cống thoát nước và có đường đi bê tông xi măng.

Một lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều cho biết, đang chỉ đạo cho các phòng, ban và UBND phường quản lý chặt chẽ việc thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, quận quản lý sử dụng đất theo đúng kế hoạch, nhất là những khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kế hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, UBND quận Ninh Kiều cũng đề xuất cơ quan, đơn vị có liên quan không thực hiện đấu nối điện, nước đối với các khu đất có dấu hiệu hình thành khu dân cư tự phát khi chưa có ý kiến xác nhận thống nhất của UBND phường nơi có đất.  

Chú thích ảnh
Hoạt động xây dựng tại một khu dân cư tự phát ở phường An Bình, quận Ninh Kiều. 

Để ngăn chặn tình trạng khu dân cư tự phát phát sinh trong thời gian tới, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cũng như các sở, ngành có liên quan đang siết chặt công tác quản lý quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của thành phố cũng như kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc rà soát quy định pháp luật và trình UBND thành phố xem xét ban hành quyết định quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện và cập nhật điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo quy định pháp luật đất đai hiện hành.

Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương thực hiện các thủ tục đất đai có liên quan đến việc tách thửa đất cho tổ chức và hộ gia đình, cá nhân, góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo quý III năm 2019 của UBND thành phố Cần Thơ mới đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các khu dân cư tự phát ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và quy hoạch xây dựng, báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét xử lý.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, cơ quan này sẽ báo cáo và đề xuất với UBND thành phố xử lý các khu dân cư tự phát theo hướng khu nào phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đủ điều kiện về hạ tầng đường, điện, nước thì cho tồn tại, còn những khu nào không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì xem xét xử lý.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
Phạt 12 tháng tù cựu giảng viên ĐH Cần Thơ dùng facebook chống phá Nhà nước
Phạt 12 tháng tù cựu giảng viên ĐH Cần Thơ dùng facebook chống phá Nhà nước

Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, vừa đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Phạm Xuân Hào, cựu giảng viên Trường Đại học Cần Thơ mức án 12 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo khoản 1, điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN