Vượt qua đoạn đường đất dốc chừng 3 km, trạm radar 610, thuộc Tiểu đoàn 551 đóng trên đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) hiện lên thấp thoáng giữa những tán cây rộng. Theo chỉ dẫn của các chiến sĩ, tôi tìm đến Thượng úy Nguyễn Bá Lý, một trong những quân nhân kỳ cựu tại đây. Nhập ngũ từ năm 1994, anh đã gắn bó với trạm radar gần 20 năm. Trong suốt 20 năm ấy, anh Lý mới về quê Thái Bình đón Tết một lần. “Hồi mới ra đây thì cuộc sống còn khó khăn lắm, từ nước nôi sinh hoạt cho đến đi lại, nhưng bây giờ đã được cải thiện nhiều song vẫn còn khó khăn. Nước sinh hoạt chủ yếu là nước mưa, chứa vào các thùng, còn téc nước sinh hoạt cá nhân như tắm giặt, các chiến sĩ phải đi bộ xuống Bãi Ngự, cách trạm 3 km”, thượng úy Nguyễn Bá Lý cho biết.
Các chiến sĩ tại trạm radar 610 Tiểu đoàn 551 trên xã đảo Thổ Châu chuẩn bị đón Tết. |
Để gia đình được gần nhau và yên tâm công tác, anh đã đưa vợ con ra đảo sinh sống từ năm 1999. Hiện vợ anh bán hàng tạp hóa tại đảo, con đầu lòng của anh chị đang học lớp 12 tại Kiên Giang, còn con út đang học lớp 3. Anh Lý tâm sự, sống ở đây hơn 20 năm, nơi đây đã trở thành quê hương thứ 2 của gia đình anh. Những ngày đón Tết trên đảo, dù xa anh em họ hàng nhưng gia đình anh Lý luôn ấm áp tình thân, tình đồng đội. “Trên đảo có sẵn lợn, gà tự nuôi còn lại thì mọi loại hàng hóa phải mua từ đất liền chở vào. Đặc thù của ngành radar là phải theo dõi chặt chẽ 24/24 giờ nên dù đón Tết thì tất cả cũng không quên nhiệm vụ”, anh Lý cho biết.
Rời Thổ Châu, đoàn chúng tôi đến Hòn Khoai (Cà Mau), đường lên trạm radar 595 ở độ cao hơn 300 m so với mực nước biển. Leo cả tiếng đồng hồ mới đến nơi, ai nấy đều thở phì phò, mặt đỏ tía tai. Thế nhưng, con đường này lại vô cùng thân thuộc với các chiến sĩ, khi hàng ngày vẫn phải xuống bãi để làm nhiệm vụ, giúp bà con và thậm chí là chở nước khi mùa khô kéo dài.
Mặc dù gần giờ ăn trưa nhưng các chiến sĩ vẫn mải miết trong ca trực. Trung úy Nguyễn Thọ Trường (quê Đông Hưng, Thái Bình) là một trong những trắc thủ kỳ cựu của trạm radar 595 này. Anh Trường cho biết, khó khăn nhất đối với các chiến sĩ vẫn là đường đi và thiếu nước. Tất cả các loại nước rửa rau, vo gạo, tắm rửa… đều được tận dụng để tưới rau, tiết kiệm từng giọt nước. Có những năm mùa khô kéo dài, anh em phải đi bộ xuống, vượt đường rừng vác từng can nước lên để tích trữ. Những năm gần đây đã đỡ vất vả hơn, khi trạm được ủng hộ 2 chiếc xe máy để các chiến sĩ tiện đi lại, làm nhiệm vụ.
Các chiến sĩ tại trạm radar 595 trên đảo Hòn Khoai đang tăng gia sản xuất. |
Gần 10 năm làm nhiệm vụ trên đảo thì có tới 8 năm Trung úy Trường ăn Tết tại đây. Nhắc nhớ thì nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất với anh là khi vợ anh sinh con đầu lòng. Hồi đó là đầu năm 2000, chưa có điện thoại như bây giờ, mọi liên lạc về gia đình đều qua thư từ, mà thư đến được nơi cũng phải mất vài tháng. Vợ sinh được 3 tháng rồi anh mới nhận được thư, dù nóng lòng nhưng vì nhiệm vụ nên một tuần sau đó anh mới về quê được. Về đến nhà, nhìn thấy vợ con mà anh mừng rớt nước mắt. “Kỷ niệm thì nhiều, niềm vui, nỗi buồn không ít nhưng anh em luôn động viên nhau phải hoàn thành nhiệm vụ, có hoàn thành nhiệm vụ thì quê nhà mới yên vui”, anh Trường cho biết.
Năm nay là năm đầu tiên hạ sỹ Trần Minh Tiến, sinh năm 1992 (Sóc Trăng) đón Tết tại đảo Hòn Khoai. Tiến cho biết, từ khi trở thành lính radar, Tiến được học hỏi rất nhiều điều, qua rèn luyện sức khỏe cũng rắn rỏi hơn hẳn. Vì đây là lần đầu tiên xa nhà nên hôm trước Tiến đã viết một bức thư và một chút quà gửi về cho bố mẹ yên tâm. “Mọi năm Tết đến thì được ở bên gia đình, bạn bè, năm nay lần đầu tiên xa nhà nên cũng nhớ nhà nhưng trước khi đi em đã xác định tư tưởng nhiệm vụ là trên hết và các anh em trên đơn vị giúp đỡ nhiệt tình nên em cũng thấy vững tin”, Tiến tâm sự.
Xa nhà, xa quê hương, từ những người chiến sĩ kỳ cựu cho đến tân binh, cũng không ít lần chạnh lòng nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng tất cả các chiến sĩ ở đây đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với những người chiến sĩ radar, vùng biển, vùng trời Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và trách nhiệm của các anh là cảnh giới vùng trời, vùng biển đó.