Nhân rộng mô hình tổ đoàn kết trên biển

Sau hơn một tháng ra khơi, đoàn tàu đánh cá thuộc Tổ đoàn kết ngư dân trên biển của xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (gồm 15 chiếc chuyên hành nghề ở ngư trường tuyến khơi) đã cập cảng cá Kỳ Hà vào một ngày cuối tháng 6.

 

Tàu QNa 90779 TS thuộc tổ đoàn kết trên biển cập cảng tiêu thụ sản phẩm.

Trong chuyến đi biển lần này, Tổ đoàn kết ngư dân trên biển thuộc nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang đã được mùa cá ngừ và cá nục. Trung bình mỗi tàu khai thác được từ 18 - 22 tấn sản phẩm. Với mức giá hiện tại (26.000 đồng/kg cá nục, 18.000 đồng/kg cá ngừ), bình quân mỗi tàu thu về gần 500 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi phí, mỗi lao động trên tàu có thu nhập bình quân trên 12 triệu đồng.


Anh Phạm Văn Tám, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu đánh cá mang số hiệu QNa 90779 TS cho biết: Trong chuyến đi biển lần này, tàu cá của anh khai thác được 21 tấn hải sản, đạt giá trị trên 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, 14 lao động trên tàu, mỗi người có thu nhập từ 12 đến 14 triệu đồng. Trò chuyện với phóng viên báo Tin Tức, anh Tám thổ lộ: “Bất chấp Trung Quốc có những hành động ngang ngược trên Biển Đông, ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Nam nói riêng vẫn không chùn bước, bởi với chúng tôi, Hoàng Sa, Trường Sa là những ngư trường truyền thống”.


Anh Tám cho biết thêm: Những người đi biển giàu kinh nghiệm đều thuộc lòng đặc tính của từng vùng ngư trường này gắn với từng mùa biển khác nhau trong năm. Ngày nay ngư dân khi ra khơi không còn hoạt động lẻ loi như những năm trước. Các nghiệp đoàn nghề cá và các tổ ngư dân đoàn kết trên biển được thành lập và đi vào hoạt động đã trở thành chiếc cầu nối giữa đất liền với biển khơi, xử lý kịp thời các tình huống bất trắc, rủi ro mà ngư dân gặp trên biển.


Anh Tám kể, ngày 18/2, khi đang hành nghề ở vùng ngư trường quần đảo Hoàng Sa, tàu đánh cá mang số hiệu QNa 91298 TS do ông Huỳnh Văn Song làm thuyền trưởng cùng 14 thuyền viên bị hỏng máy phải trôi dạt trên biển. Ngay sau khi liên lạc với các thuyền bạn, tàu cá QNa 91298 TS đã được tàu đánh cá mang số hiệu QNg 94559 TS thuộc Tổ ngư dân đoàn kết trên biển của ngư dân Quảng Ngãi tiếp cận và kéo vào neo trú an toàn tại đảo Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Tiếp đến, chiều 1/3 khi đang hành nghề giữa biển khơi, tàu cá mang số hiệu QNa 90334 TS, do ông Lê Văn Năm làm thuyền trưởng cùng 14 lao động ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, bị gãy xi lanh khiến máy không thể hoạt động. Nhận được thông tin của tàu cá gặp nạn, tàu đánh cá thuộc tổ đoàn kết ngư dân trên biển tiếp cận, giúp tàu gặp nạn qua cơn nguy biến. Sau đó, tàu gặp nạn được tàu cứu hộ mang số hiệu QNa 90125 TS, do ông Huỳnh Văn Diệp chở theo các thợ máy đến để sửa chữa và đưa phương tiện cùng toàn bộ thuyền viên trên tàu trở về đất liền.


Xác định vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống nên dù Trung Quốc có những hành động ngang ngược trên biển nhưng ngư dân Quảng Nam vẫn bền lòng bám biển. Anh Nguyễn Văn Nghị, Thuyền trưởng tàu cá QNa 91989 TS cho biết, mới đây chiếc tàu có công suất hơn 800 CV của anh cùng 12 lao động trên đường trở về đất liền, khi đi qua vùng biển gần khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 thì bị tàu Trung Quốc truy đuổi và dùng vòi phun nước vào tàu. Sau khi cập cảng tiêu thụ hết sản phẩm, duy tu máy móc thiết bị và bổ sung lương thực thực phẩm, anh vẫn sẵn sàng cho chuyến đi biển tiếp theo. Cũng như nhiều ngư dân khác, anh Nghị chia sẻ: “Vươn khơi xa bám biển không những chỉ là công việc mưu sinh của bao thế hệ người dân vùng biển mà còn để góp phần giữ gìn và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.


Chính vì vậy, cùng với việc đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, ngư dân các tỉnh miền Trung còn chú trọng đến việc lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đi biển hiện đại. Nhờ vậy, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân luôn kịp thời nắm được các thông tin cần thiết để xử lý kịp thời và có hiệu quả. Mới đây nhất khi nhận được thông tin Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất chủ trương cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi từ nguồn kinh phí 16.000 tỷ đồng để đóng tàu có công suất lớn, bà con nơi đây vui mừng khôn xiết và mong chủ trương này sớm được triển khai.


Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, để tiếp tục tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển, trong năm nay, nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam sẽ bố trí vốn cho 12 hộ ngư dân vay, mỗi hộ được vay 1,5 tỷ đồng, lãi suất 0% và thời hạn vay là 5 năm. Sau khi hộ và nhóm hộ ngư dân hoàn trả vốn vay, số tiền này sẽ được Quỹ hỗ trợ ngư dân tiếp tục cho hộ và nhóm hộ ngư dân khác vay. Dự kiến, tổng số tàu được đóng mới từ nguồn vốn này sẽ tăng lên 30 chiếc trong năm nay. Đây chính là đội tàu thuyền chủ lực bổ sung cho đội tàu thuyền chuyên hành nghề xa bờ dài ngày của các tổ đội ngư dân đoàn kết trên biển.


Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung

Thêm động lực giúp ngư dân bám biển
Thêm động lực giúp ngư dân bám biển

Dự kiến SBIC sẽ đưa ra 6 - 10 mẫu tàu phù hợp với tập quán đánh bắt từng vùng, các chủng loại tàu theo các phương thức đánh bắt khác nhau, gồm tàu lưới rê, lưới kéo, lưới vây, tàu trục mực, tàu câu cá ngừ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN