Ngư dân 'xông biển' đầu năm


Ngay từ những ngày đầu năm mới Ất Mùi, ngư dân ở các vùng biển miền Trung lại náo nức ra khơi “xông biển”, “mở cửa biển” với hi vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa khai thác mới bội thu.

“Xuất quân” đầu năm

Khi mọi người mọi nhà còn đang tưng bừng các lễ hội đón xuân, thì ngư dân các tỉnh miền Trung đã tất bật chuẩn bị ngư cụ để chuẩn bị cho ngày vươn khơi, “xông biển” đầu năm, với ước vọng một năm mới biển lặng cá đầy khoang.

Từ mùng 3 Tết Ất Mùi, tại cửa biển Sa Huỳnh, Ủy ban Nhân dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ hội ra quân nghề cá. Đây là lễ hội truyền thống của địa phương, có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với ngư dân miền biển. Buổi lễ kết thúc, gần 20 tàu thuyền lớn nhỏ của xã Phổ Thạnh nối đuôi nhau rẽ sóng vươn khơi trong tiếng trống giòn giã liên hồi. Phổ Thạnh là xã có số lượng tàu thuyền lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, chiếm gần 25% tổng công suất.

Tiếp đó, hòa cùng khí thế tưng bừng ra khơi, ngày 24/2 (tức ngày mùng 6 Âm lịch), xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cũng tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản tại Trung tâm hậu cần nghề cá của xã, thu hút hàng trăm người dân tề tựu về đây dự lễ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, toàn xã có 426 chiếc tàu, trong đó có 166 chiếc công suất 90 CV trở lên với khoảng hơn 1.000 đoàn viên. Từ mùng 6 Tết, đã có hơn 200 chiếc vươn khơi đánh bắt đầu năm, trong đó có khoảng 70- 80 chiếc đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Nói chung, ngư dân rất phấn khởi, đặc biệt là ngư dân hành nghề đi lộng đã trúng lớn những mẻ đầu tiên, hứa hẹn một năm đầy thắng lợi.

Ngư dân Quang Ngãi chuẩn bị ra khơi đầu năm.


Ngư dân Phạm Tấn Lực, chủ tàu Qng 91222- TS, đánh bắt cá ngừ tại khu vực Hoàng Sa hồ hởi cho biết: “Ăn Tết dài trên đất liền như vậy đã đủ, phải quay lại với ngư trường. Anh em tụi tôi đã chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết, cùng với một ít bánh tét, củ kiệu.. để hương vị Tết quê hương theo tàu ra biển, cho không khí thêm phần ấm cúng”.

Trong hai ngày mùng 8, 9 Tết, lần lượt ngư dân đất đảo tiền tiêu Lý Sơn cũng tổ chức lễ ra quân đầu năm, ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản.

Tại Đà Nẵng, những ngày này, cảng cá Thọ Quang cũng tấp nập tàu thuyền tập kết, chuẩn bị nhu yếu phẩm cho chuyến vươn khơi đầu năm. Năm 2015, ngư dân Đà Nẵng tiếp tục đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn và ngư cụ cần thiết để đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả, đặc biệt là nêu cao tình thần đoàn kết của các tổ hợp tác đánh bắt trên biển. Với nhiều ngư dân, ngày mở cửa biển không chỉ bắt đầu mùa đánh bắt mà còn có ý nghĩa cả năm sắp tới.

Đang bận rộn cho việc tập kết đá cho chuyến vươn khơi ngày 19/1 âm lịch tới, ông Lê Văn Xin, chủ tàu cá ĐNA 90026 TS, trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Với ngư dân, chuyến đi biển đầu năm quan trọng nhất, quyết định đến một năm vươn khơi đánh bắt thủy hải sản nên mọi nhu yếu phẩm phải chuẩn bị chu đáo”.

Ước vọng bình yên


Đối với mỗi ngư dân miền Trung, đi biển đầu năm còn là để dâng lễ lên thần biển, cầu mong năm mới trời yên biển lặng, đánh bắt thủy hải sản bộ thu.

Theo ngư dân Nguyễn Tấn Linh, chủ tàu Qng 91919- TS, mỗi lần vươn khơi là mỗi lần chở theo ước vọng của chủ nhân về một vụ mùa thuận lợi, bình an. Đặc biệt, năm mới, tàu nào cũng cầu mong sao cho ngư dân làm ăn được như ý, phát đạt; tôm cá chở về đầy khoang, bán được giá và không gặp thiên tai địch họa. Có như thế ngư dân mới bám giữ ngư trường truyền thống bền lâu.

Treo lá cá Tổ quốc lên cabin, ông Nguyễn Uông, chủ tàu cá ĐNA 1911 TS, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Tục vươn khơi xông biển ngày đầu năm đã có từ lâu đối với những ngư dân miền biển. Không chỉ gia đình tôi, bất cứ gia đình nào cũng có tục xông biển vào những ngày đầu năm mới”.

Tùy từng năm, ngư dân sẽ chọn ngày đẹp để ra khơi xông biển, “Việc chọn ngày tốt để xông biển là rất quan trọng. Ngày lành, tháng tốt, hợp tuổi với chủ tàu thì chuyến vươn khơi đó mới có kết quả tốt, cho một năm làm ăn phát đạt. Ngày 20/1 (âm lịch) này, tàu cá của tôi sẽ vươn khơi đánh bắt đầu năm”, ông Nguyễn Uông, chủ tàu cá ĐNA 1911 TS cho biết.

Còn theo ông Mai Đăng Nhiều, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, giá xăng dầu giảm tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Ông Nhiều cũng mong muốn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ hỗ trợ ngư dân, để ngư dân đóng tàu vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ, nâng cao sản lượng, chất lượng thủy hải sản và cũng là để bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Ăn Tết trên biển

Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều ngư dân vẫn miệt mài vươn khơi bám biển, ăn Tết trên biển, quyết không bỏ trống ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Huỳnh Đàn trú tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) chủ tàu đánh cá QNg 98235 TS cho biết, ngày 18 tháng Chạp, tàu vươn khơi, đến ngoài rằm tháng Riêng sẽ về đất liền.

Hành trang trong chuyến vươi khơi này được chuẩn bị chu đáo, tươm tất hơn. Ngoài lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết, còn có thêm cả bia, rượu, nước ngọt, hạt dưa, bánh kẹo, gà, bánh tét... để ăn Tết trên biển như ăn Tết ở nhà. Sau chuyến đi biển này thủy thủ đoàn sẽ về ăn Tết cùng gia đình. Còn với ngư dân Đặng Út (Quảng Ngãi), mặc dù xa gia đình trong ngày Tết, nhưng “khi nào tàu hết đá, cá đầy khoang thì sẽ mang lộc biển về đất liền.



Hữu Vinh- Phước Ngọc- Đinh Nhiều



Mong ước đầu năm của ngư dân Phú Yên
Mong ước đầu năm của ngư dân Phú Yên

Những ngày đầu năm Ất Mùi, các chủ tàu ở Phú Yên đang tất bật chuẩn bị cho chuyến mở biển đầu năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN