Do điều kiện khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế nên các hoạt động trái pháp luật vẫn diễn ra như: vận chuyển, sử dụng, mua bán các chất ma túy; buôn lậu, gian lận thương mại; tranh chấp đất đai…
Trước tình hình trên, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên.
Theo đó, lực lượng bộ đội biên phòng đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động như: Tuyên truyền trực quan; tuyên truyền lồng ghép vào các buổi họp dân, họp đoàn thể, tổ chức đến tận nhà dân; tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các phong trào, cuộc vận động “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự khóm, ấp khu vực biên giới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…
Qua 3 năm thực hiện đề án, lực lượng bộ đội biên phòng đã triển khai được hơn 1.800 buổi tuyên truyền tập trung cho trên 39 nghìn lượt người; in ấn và cấp phát khoảng 14.500 tờ rơi, tờ áp phích, tờ bướm và 600 đĩa DVD tuyên truyền các nội dung của đề án… cho các đơn vị cơ sở, địa phương trên địa bàn biên giới.
Ngoài ra, nhờ sự hướng dẫn của các đồn biên phòng, các địa phương đã xây dựng, củng cố câu lạc bộ tư vấn pháp luật. Đến nay 8/8 xã biên giới đều có một câu lạc bộ tư vấn pháp luật, mỗi tổ có từ 5-10 người phục vụ cho nhu cầu tư vấn, hỏi đáp những vấn đề về pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn. Mỗi địa phương còn xây dựng tủ sách pháp luật cho người dân đến đọc và tìm hiểu. Hiện mỗi đồn biên phòng có một tủ sách pháp luật; mỗi xã biên giới có 1-3 tủ sách với số lượng mỗi tủ có từ 100-300 đầu sách, văn bản pháp luật các loại... thu hút người dân đến xem, nghiên cứu.
Qua các đợt tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, nhân dân được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ người dân vi phạm pháp luật, an toàn giao thông tại các vùng biên, cửa khẩu có chiều hướng giảm. Riêng ở các địa phương, tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp không còn xảy ra. Là một trong những trọng điểm của đề án, cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, thuộc huyện Tân Hồng có lưu lượng người, phương tiện hàng hoá qua lại biên giới tương đối lớn. Do đó, các loại đối tượng có thể lợi dụng để cất giấu hàng hoá vận chuyển vào nội địa, hoặc có thể lẩn trốn trên phương tiện để xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Thượng tá Lê Văn Lâm - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng cho biết: Nắm rõ tình hình, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền kết hợp hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Chi cục Hải quan Dinh Bà tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền về đường biên cột mốc và những quy định của pháp luật trong công tác quản lý đường biên, cửa khẩu. Nhờ đó, nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân vùng biên được nâng lên; tình trạng tiếp tay cho tội phạm đã giảm.
Đại tá Nguyễn Đình Anh - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Thời gian tới, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên…ở các đồn biên phòng và cán bộ làm công tác tuyên truyền của địa phương, thành viên của các tổ tự quản đường biên cột mốc trên biên giới. Qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới; góp phần giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.