Gian nan đường vào
Đồn biên phòng Hương Quang (xã Hương Quang, Vũ Quang, Hà Tĩnh) chỉ cách trung tâm TP Hà Tĩnh hơn 50 km nhưng để vào được đồn phải đi một chặng đường rất gian nan vất vả. Để vào được đến điểm đóng quân của các chiến sỹ biên phòng thì phải đi trên một con đường thủy độc đạo dài gần 30 km giữa lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (công trình thuỷ điện lớn thứ ba cả nước, chỉ sau Dầu Tiếng và Cửa Đạt).
Là cán bộ giao liên, trực tiếp lái chiếc cano chở người, nhu yếu phẩm hàng ngày trên con đường này, đại úy Trần Văn Hải chia sẻ: “Trước đây vào đồn biên phòng Hương Quang thì rất thuận lợi vì theo đường bộ là đến tận nơi đóng quân. Tuy nhiên, để phục vụ cho dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, từ tháng 7/2011 hơn 1.000 hộ dân thuộc các xã Hương Quang và Hương Điền, huyện Vũ Quang đã di dời lên khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ và Hói Trung, cách đơn vị 48 km. Ngay cả đồn biên phòng Hương Quang cũng phải dời vào sát biên giới, cách đồn cũ 18 km nên địa hình rất hiểm trở, đi lại khó khăn. Quanh đây, không có bất kỳ ngôi nhà dân nào và cũng không điện lưới chiếu sáng. Ngay cả sóng điện thoại cũng không có…”.
Phải hơn 1 giờ đồng hồ đi giữa lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang mênh mông sông nước và tiếp tục đi quãng đường bộ dài 12 km với mây vờn, đồi núi heo hút nữa mới vào tới điểm đóng quân.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương"
Thượng tá Đinh Văn Minh, Chính trị viên đồn biên phòng Hương Quang cho biết: Đồn hiện có hơn 50 cán bộ chiến sĩ, được giao quản lý, bảo vệ 43 km đường biên giới với 14 cột mốc. Để đến được cột mốc quốc gia, cán bộ chiến sĩ phải mất sáu ngày trèo đèo lội suối, ăn ở trong rừng sâu, núi thẳm.
Với quan điểm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” mặc dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và khắc nghiệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Hương Quang vẫn luôn nêu cao tinh thần vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên cương bình yên, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia...
Để vượt qua những khó khăn về địa hình, các cán bộ, chiến sỹ đã tập trung tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống. Thượng tá Minh cho hay, vì không có điện lưới, nên việc mua thực phẩm về dự trữ để ăn dần không thể thực hiện được. Vùng đóng quân lại không có dân, không có chợ nên cán bộ chiến sĩ đã tập trung tăng gia sản xuất để chủ động đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho anh em chiến sĩ.
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, đồn biên phòng Hương Quang còn chủ động phối hợp với Vườn Quốc gia Vũ Quang và các phòng, ngành, lực lượng chức năng của huyện Vũ Quang để kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực biên giới và nắm bắt thông tin, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm luật, khai thác vàng trái phép, đánh bắt cá tận diệt cũng như các hoạt động phi pháp khác ở khu vực do đồn quản lý...
Thượng tá Đinh Văn Minh cho biết: Lâu nay mọi liên lạc chỉ dùng qua vệ tinh Vinasat để truyền tín hiệu về cho Bộ chỉ huy; còn việc cá nhân, gia đình thì khó. Mới đây, Tập đoàn Vietel đã đầu tư cho đồn một cột sóng điện thoại để các chiến sĩ có thể thông tin liên lạc về với gia đình. Tuy vậy, khi đi tuần tra, công tác ra khỏi khu vực đồn thì điện thoại cũng bị vô hiệu. Nhưng sang giữa năm sau, hệ thống đường điện sẽ hoàn thành đi vào hoạt động chắc chắn rằng sẽ không còn là đồn “bốn không" nữa…
Dẫu phía trước các anh còn phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách, nhưng những người lính mang quân hàm xanh ở đồn biên phòng Hương Quang luôn giữ vững niềm tin, bền ý chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần giữ yên biên cương của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.