Chương trình “Nâng bước em đến trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động từ năm 2015 đến nay ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy được những hiệu quả thiết thực, được cán bộ chiến sỹ trong toàn lực lượng ủng hộ và Bộ đội Biên phòng Lào Cai cũng không phải là ngoại lệ.
Những mảnh đời éo leAi đã đến Đồn biên phòng Si Ma Cai đều gặp bốn cậu bé khoảng mười tuổi, mặc quân phục chỉnh tề, đứng nghiêm giơ tay chào khách theo kiểu điều lệnh: Cháu chào bác (Chú). Giọng nói của trẻ em người dân tộc thiểu số vùng cao còn chưa thạo tiếng phổ thông nhưng nét mặt rất nghiêm trang, cánh tay giơ lên chưa thẳng nhưng dứt khoát chứng tỏ những cậu bé này đã được rèn luyện khá kỹ càng. Trông bốn đứa nhỏ có nét mặt hao hao giống nhau.
- Anh em với nhau đấy, hai cặp anh em ruột! Thượng tá Nguyễn Ngọc Anh, Chính trị viên của đơn vị chia sẻ.
Các “chiến sĩ nhí” ở Đồn Biên phòng Si Ma Cai. |
Lù Văn Hùng năm nay chuẩn bị bước vào lớp sáu, còn em trai Lù Seo Lử của Hùng cũng vừa lên lớp bốn. Nói về hoàn cảnh của hai anh em Hùng và Lử, người dân ở thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai ai cũng thương. Anh Lù Seo Chẩn và chị Ma Thị Sênh kết hôn từ lúc tuổi mới mười chín đôi mươi, trong vòng hơn một năm anh em Hùng và Lử lần lượt ra đời.
Gia cảnh khó khăn, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nên cái nghèo cứ bám lấy đôi vợ chồng trẻ. Thương vợ thương con, anh Chẩn lao vào công việc kiếm sống nhưng sức người có hạn, lại thiếu phương pháp lao động sản xuất nên anh thường xuyến bị ốm đau dẫn đến lao lực và ra đi năm 2007 khi mới hai mươi hai tuổi. Rồi mẹ của hai cháu đi thêm bước nữa. Hoàn cảnh gia đình mới của chị Sênh cũng không hơn gì trước nên chị không thể đón hai con mình về nuôi, đành để các các cháu ở với bà nội. Đối với vùng đất nghèo khó này, hai vợ chồng khỏe mạnh làm lụng chăm chỉ nuôi hai đứa con còn khó, nói gì đến một người phụ nữ gần bảy mươi tuổi phải một thân, một mình làm nương và đi làm thuê thường xuyên để kiếm cơm nuôi hai cháu. Chuyện bữa no bữa đói là điều khó tránh khỏi.
Gia cảnh hai anh em Vàng Văn Thẻo và Vàng Văn Coi cũng éo le không kém. Trong thôn Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai của người Thu Lao thì gia đình Thẻo và Coi hoàn cảnh nhất. Bố em bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh, tất cả gánh nặng gia đình dồn cả lên vai người mẹ. Rồi thì chị cũng không thể trụ được lâu với gánh nặng quá sức. Sau khi mẹ mất, Thẻo và Coi cùng người bố tàn tật về ở với bà nội đã 77 tuổi. Bà không còn đủ sức lao động để nuôi con và hai cháu, nên cháu Thẻo đã phải bỏ học đi làm thuê để kiếm sống đỡ đần khó khăn cho bà nội và nuôi em ăn học.
Một ngày của những chiến sỹ nhíMới đầu, khi triển khai chương trình “nâng bước em đến trường”, Đồn biên phòng Si Ma Cai chỉ định nhận hai cháu vì điều kiện của Đồn cũng rất khó khăn. Hôm Chỉ huy đơn vị đến đón Thẻo và Hùng về đơn vị, Coi và Lử chạy theo khóc như mưa, nhất quyết xin “đi bộ đội” cùng các anh. Thôi thì “đã thương thì thương cho chót”, Ban Chỉ huy Đồn xin ý kiến của gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương đón cả bốn cháu về nuôi. Các cháu được bố trí ở một phòng rộng rãi, yên tĩnh và có cả góc học tập. Chuyện ăn uống không phải lo vì chẳng lẽ cả đơn vị không nhường cơm xẻ áo được cho các cháu? Chuyện mặc thì ngoài trang phục thông thường, đơn vị đặt mua cho mỗi cháu hai bộ quần áo giống quân phục để các cháu mặc cho thống nhất với cán bộ chiến sỹ.
Một ngày ở đồn biên phòng tuân thủ theo chế độ chung của toàn quân. Các cháu cũng thức dậy từ sớm như các anh các chú. Giờ thể dục, bốn cậu bé khiêm tốn đứng cuối hàng, cũng đưa tay tập theo nhịp hô của người chỉ huy, những động tác vụng về nhưng đáng yêu của các chiến sỹ nhí chưa qua một lớp huấn luyện nào. Đến giờ ăn cơm, các cháu được ưu tiên đứng hàng đầu. Có chiến sỹ tinh nghịch trêu: Bộ đội phải xếp hàng “Cao trên thấp dưới chứ?”, nhìn nét mặt ngây ra của các cháu, cả đơn vị được một trận cười.
Giờ làm việc, cán bộ chiến sỹ đơn vị người đi tuần tra, người địa xuống địa bàn, mỗi người một nhiệm vụ. Còn nhiệm vụ của bốn “quân nhân nhí” là đi học, các cháu được cán bộ của Đội vận động quần chúng đưa đến trường, chiều lại đón về. Từng ngày, từng ngày, các cậu cũng được rèn luyện như bộ đội nên rất gọn gàng, chăm chỉ, lễ phép. Thấy các cháu ngày càng khôn lớn, cán bộ chiến sỹ của Đồn biên phòng Si Ma Cai không ai bảo ai nhưng trong ánh mắt mọi người đều ánh lên một niềm vui. Mỗi khi đi phép, đi công tác trở về, trong ba lô của họ không phải cân chè, bao thuốc như ngày xưa nữa mà là gói kẹo, đôi dép, hay mấy quyển sách cho bọn nhỏ. Đã từ lâu họ coi chúng như con, như cháu của mình ở dưới xuôi vậy.
Theo thượng tá Nguyễn Khánh Tùng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Si Ma Cai thì vấn đề lo nhất hiện nay là làm sao động viên các cháu khỏi mặc cảm về hoàn cảnh của mình và theo kịp kiến thức như các bạn cùng lớp, vì trước đây kiến thức của các cháu bị hổng khá nhiều. Các cháu còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi lớn, tuy vào ở trong đơn vị được sự thương yêu đùm bọc của các chú bộ đội là một điều đáng quý. Nhưng trẻ con không thể tránh khỏi những lúc nhớ nhà, nhớ bạn bè trong thôn cùng chăn trâu cắt cỏ, lại còn lúc ốm lúc đau.. Trong đơn vị toàn nam giới, vì thế việc chăm sóc các cháu không khác gì nhà có con mọn. Có đến đơn vị, tận mắt chứng kiến mới thấy tình cảm yêu thương của các chiến sỹ Biên phòng với các cháu như thế nào.
Lại một năm học mới đến với bốn quân nhân đặc biệt của Đồn biên phòng Si Ma Cai. Nhiệm vụ của các cháu năm nay được Ban Chỉ huy đồn giao cho là cuối năm mang giấy khen của nhà trường về cho các chú các bác. Tâm lý háo hức của con trẻ lây sang cả các chú bộ đội. Cả bốn cháu khi được hỏi đều ước mơ sau này lớn lên muốn trở thành Bộ đội Biên phòng, được cùng các chú, các bác bảo vệ biên giới và biết đâu, được công tác ngay tại Đồn biên phòng Si Ma Cai, nơi các cháu đã gắn bó tuổi thơ của mình. Những đứa con của Đồn hôm nay, mươi năm nữa sẽ trở thành những chiến sỹ Biên phòng thực thụ, cùng các chú các anh bảo vệ chủ quyền biên giới ngay trên mảnh đất quê hương.
Những đứa con của Đồn hôm nay, mươi năm nữa sẽ trở thành những chiến sỹ Biên phòng thực thụ, cùng các chú các anh bảo vệ chủ quyền biên giới ngay trên mảnh đất quê hương. |