Vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ cần có một trung tâm đào tạo trên đại học

Ngày 18/4, tại Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo hội nghị.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Hội nghị được tổ chức nhằm tìm giải pháp đổi mới phát triển giáo dục và đào tạo Vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ trong thời gian tới. Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu những kiến nghị của các tỉnh để có giải pháp từng bước khắc phục khó khăn, tháo gỡ cho giáo dục vùng Đông Nam Bộ; cần có chính sách thu hút giáo viên; xem xét công tác đào tạo đi trước một bước để theo kịp xu thế, đổi mới mô hình tổ chức nhân sự. Bộ cần phát huy nội lực, huy động ngoại lực; có cơ chế xã hội hóa, thu hút các nguồn giáo dục chất lượng cao, tăng cường liên doanh, liên kết, kể cả nước ngoài để đổi mới giáo dục và đào tạo. Mục tiêu hướng tới phục vụ cho đổi mới toàn diện về giáo dục, góp phần xây dựng phát triển đất nước; trong đó vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ cần có một trung tâm đào tạo trên đại học để đáp ứng nguồn lực công cuộc “đổi mới sáng tạo”...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; có mật độ dân cư cao nhất cả nước (diện tích chưa bằng 1/10 cả nước nhưng dân số chiếm 19,1% dân số cả nước); tỷ lệ tăng dân số và người nhập cư cao nhất cả nước. Đây cũng là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước và sự chênh lệch giữa các nhóm thu nhập thấp nhất cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đứng thứ hai cả nước. Thời gian qua, giáo dục và đào tạo của vùng đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo của vùng vẫn còn những tồn tại, khó khăn như: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp; tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều hạn chế…

Vì vậy tại Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thảo luận với các địa phương để nhận diện bức tranh giáo dục vùng Đông Nam Bộ hiện nay; đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển giáo dục và đào tạo trong thời gian qua, trên cơ sở đó tìm giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Các bộ, ngành sẽ đồng hành và hỗ trợ để các địa phương thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. 

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, 100% đơn vị cấp xã trong vùng Đông Nam Bộ đều có trường Mầm non, Tiểu học. Hầu hết các xã đều có trường Trung học Cơ sở, các huyện có trường Trung học Phổ thông. Tính đến năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông, thường xuyên (tăng hơn 1.000 cơ sở so với giai đoạn  2010 - 2011). Đến tháng 6/2022, toàn vùng có 57 trường đại học, 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tại vùng Đông Nam Bộ tăng dần hàng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước và thấp nhất trong 6 vùng. Các cấp học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học tăng dần qua các năm, đứng thứ hai trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chỉ thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu vùng Đông Nam Bộ đạt 60,6%…

Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh tại các thành phố lớn, khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục. Vì vậy, kết cấu hạ tầng ngành Giáo dục chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng số lượng học sinh hàng năm; quỹ đất xây trường học ngày càng khó khăn; thiếu “trầm trọng” cơ sở Mầm non. Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn làm tăng thêm áp lực về vấn đề thiếu giáo viên…Đây là những vấn đề được đại diện các tỉnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận nhiều giải pháp như tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài; đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục của vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của từng địa phương; chú trọng giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và tạo cơ hội phát triển khu vực giáo dục tư thục để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng công bằng thành quả giáo dục. Các địa phương ưu tiên quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập ở các khu tập trung đông dân cư (như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới…)

Để bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, các địa phương trong vùng cần đa dạng hóa mô hình giáo dục và phương thức học tập để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; tăng cường sự tham gia của các thiết chế văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường và truyền thông đại chúng trong việc cung cấp các cơ hội học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Các đại biểu cho rằng, với đặc thù vùng, các địa phương cần ưu tiên xây dựng cơ sở giáo dục mầm non tại các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non thuận lợi; thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên...

Tin, ảnh: Chí Tưởng (TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục, đào tạo phải gắn với nhiệm vụ phát triển đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục, đào tạo phải gắn với nhiệm vụ phát triển đất nước

Sáng 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN