So đo bằng tại chức với chính quy

Theo nội dung Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang được Bộ Giáo dục - Đào tạo xin ý kiến, sẽ không có sự phân biệt hình thức đào tạo chính quy hay tại chức. Vậy điều này có gì lợi và bất lợi?

Phù hợp với hội nhập quốc tế

Theo dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học (GDĐH), sẽ "không phân biệt bằng đại học chính quy hay tại chức". Cụ thể, tên loại hình đào tạo sẽ không được ghi trên bằng tốt nghiệp đại học như hiện nay. Ở điều 6 dự thảo luật, cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (hệ vừa học vừa làm, giáo dục thường xuyên) hiện nay cũng được chuyển thành tập trung và không tập trung.

Việc không phân biệt bằng tại chức và chính quy được xem là hướng nâng chất lượng đào tạo theo đúng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học đã ban hành. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD - ĐT) cho biết: Dự kiến, các trường ĐH sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo và không có sự phân biệt giữa hệ tại chức hay chính quy.

Cụ thể, bà Nguyễn Kim Phụng cho hay: “Điều 6 trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung có đưa ra quy định về hình thức đào tạo. Theo đó, chia làm 2 hình thức là tập trung và không tập trung, nhằm xác định đào tạo cho đối tượng nào. Tuy nhiên hình thức không tập trung được xây dựng trên phương thức đào tạo từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá và chuẩn đầu ra giống hình thức tập trung.

Vì không xác định 2 loại hình đào tạo có tên gọi là chính quy và thường xuyên và bằng cấp, nên sẽ không có sự khác biệt, hay nói cách khác hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH. Chúng tôi kỳ vọng các cơ sở đào tạo sẽ quan tâm đến chất lượng của cơ sở mình trong quá trình đào tạo sẽ phải thận trọng khi cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp.

Bởi lẽ, đã không phân biệt bằng hệ tại chức hay chính quy, tức là văn bằng theo hình thức đào tạo nào của các cơ sở đều là lời khẳng định với xã hội chất lượng đào tạo phải chuẩn”.

Theo Tờ trình Dự thảo, Luật GDĐH ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên của lĩnh vực GDĐH, đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các quy định của Luật GDĐH đã tạo hành lang pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của các cơ sở GDĐH.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật GDĐH đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Băn khoăn chất lượng đào tạo tại chức, từ xa

Trước thực tế đào tạo đại học tại chức hay từ xa khá dễ dãi, khó bề quản lý chất lượng như hiện nay tại Việt Nam, nhiều người lo ngại việc cấp cùng một loại chứng chỉ sẽ tạo điều kiện cho những tiêu cực trong công tác đào tạo và quan trọng hơn là tuyển dụng cán bộ sau này.
Sở dĩ bằng đại học tại chức hiện nay không được xã hội coi trọng do chất lượng đào tạo ở nhiều trường chưa cao. Đó là chưa kể, có hiện tượng học giả, thi giả, nhưng vẫn được cấp bằng thật. Hiện tượng học hộ, thi hộ từ chỗ phải lén lút giờ đã công khai với sự trợ giúp của các trang mạng xã hội. Trên trang facebook, có cả chục trang học thuê, thi thuê, làm bài thuê, được quảng cáo là “giá sinh viên”. Mỗi trang có cả chục ngàn người theo dõi cho thấy một lượng lớn người học vẫn đang sử dụng cách học này. 

Các trường “hot” trong đào tạo tại chức có thể kể đến là Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Luật lại ủng hộ việc không phân biệt tại chức và chính quy. Một vị đại diện ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, không ít học viên hệ tại chức của trường sau khi tốt nghiệp đã rất thành đạt.Việc phân biệt chính quy và tại chức trên tấm bằng tốt nghiệp là bất công vì cùng là đào tạo đại học, chỉ khác nhau về đối tượng đào tạo. Việc quan trọng bằng cấp sẽ không đánh giá được đúng người được tuyển dụng.

Cũng đồng tình với đề xuất nêu trên của dự thảo, PGS. TS Mạc Văn Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề chia sẻ, xu hướng thế giới từ lâu đã không ghi loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp đại học và chỉ ghi tốt nghiệp loại giỏi hay khá. Việt Nam đang hội nhập nên việc đi theo xu hướng thế giới là phù hợp.

Tuy nhiên, việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức có thể dẫn đến việc lạm dụng văn bằng, người đi làm thi nhau đi học tại chức để làm đẹp hồ sơ. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo.

“Chỉ khi nào ngành giáo dục thực sự siết chặt chất lượng đào tạo của bậc đại học, dù là học chính quy hay vừa học vừa làm, minh bạch hóa quá trình đào tạo, kiểm soát chất lượng lúc đó bàn đến việc không phân biệt bằng tại chức và chính quy cũng chưa muộn” - PGS.TS Mạc Văn Tiến nhấn mạnh.

Cơ quan quản lý: Chính sinh viên sẽ là người lên tiếng

Trước những lo ngại những vấn đề tới tiêu cực có thể phát sinh khi văn bằng đào tạo chính quy và tại chức như nhau, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay: “Một khi phát sinh tiêu cực thì trước hết sinh viên của nhà trường sẽ không đồng ý và đấu tranh khi bằng của họ bị lẫn lộn với bằng không đảm bảo chất lượng khác.

Xã hội cũng có những giám sát nhất định. Về phía cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm kiểm định chất lượng. Sắp tới, vấn đề kiểm định các trường sẽ được đẩy mạnh nhất là kiểm định chương trình, kiểm đinh quá trình tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng cho chương trình đó”.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, tháng 4 vừa qua, Bộ GD - ĐT đã ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, trong đó quy định rõ ràng điều kiện được tổ chức đào tạo loại hình này, quy định về thi, cấp bằng tốt nghiệp... nhằm nâng cao chất lượng.

"Sắp tới nhà nước sẽ đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và việc cấp bằng cho chương trình đó. Nhưng trước tiên chúng tôi hy vọng các cơ sở giáo dục đại học sẽ cẩn trọng khi cấp bằng bởi đây là lời khẳng định về chất lượng đào tạo của nhà trường với xã hội", bà Phụng nói.

Trong giai đoạn chất lượng của loại hình giáo dục tại chức, giáo dục từ xa chưa được đảm bảo như hiện nay, việc bỏ ngỏ chất lượng cho cơ sở đào tạo hay cho sự đấu tranh có thể làm phát sinh nhiều tiêu cực. Vì thế, đây vẫn đang là một trong những đề xuất gây tranh cãi nhất tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

 Chủ trì các cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học là một yêu cầu cấp thiết để kịp thời thể chế hóa những vấn đề của hệ thống giáo dục đại học, tạo động lực, bước phát triển mới cho các cơ sở giáo dục đại học.

Tinh thần chung của lần sửa đổi, bổ sung này là tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, cân nhắc, xem xét kỹ để xây dựng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung khả thi, đi vào cuộc sống, hiệu quả; tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế... Ban soạn thảo tiếp tục đón nhận, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.

Lê Sơn/Báo Tin tức
Lãnh đạo ĐH Bách Khoa Hà Nội: Không thể đánh đổi chất lượng, uy tín của hệ đào tạo chính quy
Lãnh đạo ĐH Bách Khoa Hà Nội: Không thể đánh đổi chất lượng, uy tín của hệ đào tạo chính quy

Xoay quanh đề xuất công nhận bằng đại học tại chức sẽ có giá trị giống như bằng đại học chính quy trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), không ghi rõ loại hình đào tạo trên bằng cấp, báo Tin tức đã có cuộc trao đổi riêng với PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - một trong những trường học hàng đầu Việt Nam hiện nay về chất lượng giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN