Sau 2015, sẽ giảm môn học ở phổ thông

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 được đặt ra nhằm khắc phục thực tế chương trình, sách giáo khoa hiện hành còn nặng truyền thụ kiến thức, số lượng môn học quá nhiều, chưa chú trọng hình thành năng lực, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách của học sinh... Những nội dung này đã được bàn thảo tại hội thảo “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam”.

 

Hướng đến nâng cao năng lực cho học sinh


Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trưởng nhóm nghiên cứu về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) khẳng định, sau năm 2015, đề án sẽ hướng đến hình thành năng lực người học thay vì tập trung vào nội dung kiến thức như hiện nay. Khi đó, chuẩn giáo dục không còn được đo bằng lượng kiến thức văn hóa mà được xét trên cả 3 phương diện là phẩm chất, kỹ năng học tập phổ quát và kỹ năng thuộc các lĩnh vực học tập. Mục tiêu hình thành năng lực chung, năng lực chuyên biệt ngay từ bậc học phổ thông là để học sinh có điều kiện phát triển năng lực bản thân tốt hơn.


 

Buổi học của học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Trần Văn Giàu (tên cũ là Trường THPT Bình Lợi Trung), quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Để hỗ trợ học sinh phát triển trên nhiều phương diện, theo các chuyên gia giáo dục, chương trình học của bậc phổ thông cần đề ra phương án thay đổi toàn diện cách kiểm tra mới với học sinh. Trong đó, điểm mới căn bản là thang đánh giá năng lực cần được quy chuẩn theo mức độ phát triển năng lực người học. Việc đánh giá năng lực của học sinh tập trung vào sự tiến bộ của học sinh hơn là mục tiêu đánh giá để xếp hạng giữa các học sinh với nhau.


Để giải quyết vấn đề quá tải, GS Đinh Quang Báo cho rằng, giải pháp tích hợp các môn học sẽ giải quyết được tình trạng học sinh phải học quá nhiều môn, quá nhiều kiến thức như hiện nay. Các thành viên ban soạn thảo đề án kỳ vọng việc tích hợp các môn học sẽ làm thay đổi một cách căn bản giáo dục phổ thông từ nội dung, phương pháp đến cách thức đánh giá. Việc có một chương trình học giảm số đầu môn học bắt buộc, tăng các môn học, chủ đề tự chọn sẽ giúp học sinh có vốn kiến thức rộng, gắn với thực tiễn và chuẩn bị tâm thế hướng nghiệp, hướng nghề tốt hơn.

 

Sau 2015 sẽ giảm số môn học bắt buộc


Sau năm 2015, hệ thống chương trình giáo dục phổ thông sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn; giảm số môn học ở từng cấp học, tăng cường các hoạt động giáo dục ngoại khóa gắn với thực tế nhiều hơn là chỉ tập trung vào học lý thuyết nhiều như hiện nay. Như cấp tiểu học hiện có 11 môn học và 3 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 sẽ là 5 môn học và 4 hoạt động giáo dục. Cấp THCS hiện có 13 môn học và 4 hoạt động GD, sau năm 2015 sẽ có 10 môn học và 3 hoạt động giáo dục; lớp 10 của cấp THPT hiện có 13 môn học và 5 hoạt động GD, sau năm 2015 sẽ có 11 môn học với 2 hoặc 3 chủ đề tự chọn và 3 hoạt động giáo dục… Tuy nhiên, những người làm đề án cải tiến chương trình khẳng định, giảm môn học không phải là giảm tải hay cắt giảm chương trình đơn thuần. Việc giảm số đầu môn học bằng cách tích hợp một số môn học với nhau sẽ giúp học sinh thu nạp được lượng kiến thức rộng hơn, sâu hơn.


Sau năm 2015, dự kiến kỳ thi tuyển sinh đầu vào của bậc THCS, THPT sẽ giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường. Bộ GD- ĐT sẽ giao việc tổ chức và xử lý kết quả thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD- ĐT, Bộ chỉ giữ nhiệm vụ quản lý vĩ mô là ban hành quy chế thi và xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập.


Để phù hợp với việc đổi mới chương trình học, kết quả xếp loại bằng tốt nghiệp cũng được đổi mới trên cơ sở đánh giá kết quả của học sinh theo cả quá trình học chứ không phục thuộc vào riêng kết quả thi. Để có cơ sở so sánh, đối chiếu sự tăng trưởng chất lượng theo thời gian, Bộ GD- ĐT sẽ tổ chức đánh giá định kỳ quốc gia ở lớp cuối mỗi cấp học với các lớp 5, 9, 12.


Dự kiến, cơ cấu giáo dục phổ thông vẫn giữ nguyên 12 năm gồm: Cấp tiểu học có chương trình học 5 năm (từ lớp 1 đến lớp 5), độ tuổi học sinh từ 6 đến 11 tuổi; cấp THCS: 4 năm (từ lớp 6 đến lớp 9), độ tuổi từ 12 đến 15; THPT: 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12), độ tuổi 16 đến 18. Từ năm học 2016 - 2017 đến 2021 - 2022, chương trình và SGK phổ thông đổi mới sẽ được tiến hành thử nghiệm và dạy đại trà.


Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông nên cắt bớt thời gian học xuống dưới 12 năm, vì học sinh ngày nay được tiếp xúc với nhiều nguồn kiến thức khác nhau, nên thời gian giáo dục phổ thông không cần quá dài.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN