Khi nhắc đến cụm từ “thúc đẩy dạy học tích cực”, giáo viên các Trường tiểu học miền núi Hùng Long, Ngọc Quan, Minh Phú hay Vân Đồn thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đều rất tự hào và tâm đắc. Theo các thầy cô nơi đây, có thể nói phương pháp này đã góp phần đưa học trò thành trung tâm trong lớp học, cũng như thúc đẩy một cách tự nhiên sức học của học sinh. Đối với 4 xã vùng dự án trên, từ đầu năm 2010 đến nay, tổ chức bảo trợ trẻ em Plan - một tổ chức quốc tế phi chính phủ - đã hỗ trợ nhiều hoạt động trong chương trình “Chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ thơ” ở cấp mầm non, “Thúc đẩy dạy học tích cực” ở cấp tiểu học giai đoạn I và “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tiểu học” giai đoạn II.
Trẻ em học làm phim về biến đổi khí hậu theo chương trình của Tổ chức Plan. Ảnh: dantri.com.vn |
Khi chúng tôi thăm trường Hùng Long, mặc dù là xã nghèo nhưng được chứng kiến một môi trường học tập khá đầy đủ từ khuôn viên nhà trường đến từng chi tiết trong các lớp học của trường tiểu học Hùng Long. Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, năm 2010, Trường tiểu học Hùng Long được nhà nước đầu tư xây dựng 8 phòng học. Xã hội hóa giáo dục, nhà trường đã tiếp nhận nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, trong đó có nguồn hỗ trợ từ tổ chức Plan Việt Nam.
Nói về phương pháp sinh hoạt chuyên môn đổi mới, cô Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Long cho biết: Ngành giáo dục cũng đã có phương pháp này. Từ khi Plan hỗ trợ, trường mạnh dạn đi sâu hơn. Trước đây trong những buổi dự giờ, nội dung chính là nhận xét về cách giảng dạy của giáo viên. Cách làm này vô hình trung tạo áp lực cho người đứng lớp. Áp dụng phương pháp mới, nhà trường hướng về nhận xét xem trong tiết học đó học sinh được chia sẻ kiến thức học tập như thế nào. Có những tiết học trước đây giáo viên chỉ tập trung gọi những học sinh giơ tay phát biểu vì sợ rằng sẽ mất thời gian của lớp nhưng nay những em nào không giơ tay, giáo viên sẽ động viên để học sinh mạnh dạn hơn. Về phần học sinh, khi được rèn kỹ năng học tập tích cực, các em biết giúp đỡ nhau trong học tập, đặc biệt khi bạn gặp khó khăn.
Trước đây, khi trao đổi chuyên môn, giáo viên thường có tâm lý e ngại, nay các thầy cô coi sinh hoạt chuyên môn là bình thường, với tâm thế hết sức thoải mái, tạo không khí sôi nổi. Mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên, thầy với trò thân thiện gần gũi hơn trước rất nhiều.
Khi phân tích thuận lợi của phương pháp này, giáo viên cho rằng bên cạnh việc Plan hỗ trợ về kỹ thuật, tập huấn phương pháp thì việc hỗ trợ máy quay khi giảng dạy đã góp phần giúp các thầy cô giáo xem lại lớp học của mình để biết trong tiết học, học sinh có làm việc khác không, từ đó tìm nguyên nhân học sinh không tập trung và tiếp cận chỉ dẫn, giúp đỡ các em. Mặt khác, giáo viên cũng sửa được lỗi khi lên lớp.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, Trưởng phòng giáo dục huyện Đoan Hùng, Phùng Văn Long cho biết: Các hoạt động do Plan hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong giáo dục, giảng dạy tại các trường tiểu học. Như vậy, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Plan đã gặp nhau ở mục tiêu chung và những xã vùng dự án đã đạt được hiệu quả là xây dựng môi trường học tập tích cực. Học sinh thích thú khi vào giờ học và các em tự nguyện giúp đỡ nhau trong học tập. Kết quả cụ thể là năm học 2011-2012, trường tiểu học Ngọc Quan và Minh Phú có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2012-2013 cả 4 trường Vân Đồn, Ngọc Quan, Minh Phú, Hùng Long, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm, các trường đều có học sinh giỏi cấp tỉnh. Riêng trường tiểu học Ngọc Quan có 2 em học sinh giỏi cấp quốc gia…
Năm học mới đang tới, ở những xã vùng dự án, thầy cô giáo nơi đây tự hào rằng hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo chương trình dự án đã thực hiện thành nền nếp. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, nỗ lực của thày trò, phụ huynh cùng sự hỗ trợ của Plan đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Hoàng Thị Hoa