Một trong những mục tiêu của đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 mà Chính phủ đặt ra là trước năm 2020 cần có 70 - 80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng. Đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đang là vấn đề bức thiết.
Đào tạo còn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội
Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá, sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Thậm chí để có thể sử dụng được lao động, các đơn vị, công ty... phải đào tạo lại. TS Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển cho biết: “Chúng tôi từng gặp phải những sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ nhưng không thể dịch được và giao tiếp với khách hàng người nước ngoài rất khó khăn. Hay như sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin thì khả năng lướt web rất nhanh nhưng những điều cơ bản như trình bày văn bản chuẩn trên Word, Exel... thì lại không làm được. Thậm chí, không ít sinh viên đến thực tập, kiến tập chỉ mong xin chữ ký và chứng nhận. Qua phỏng vấn, thử việc, điều nhận thấy là các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp với khách hàng, với lãnh đạo, báo cáo... của sinh viên đều có vấn đề”.
TS Nguyễn Ngọc Anh phân tích: Điều này khẳng định rằng nhiều sinh viên không có định hướng nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên giảng đường. Cách học của sinh viên còn thụ động, chưa có sự kết nối với doanh nghiệp hay thực tế. “Sau những đợt tuyển dụng, chúng tôi phải sàng lọc rất nhiều lần, tìm những sinh viên có khả năng phát triển tốt. Trên cơ sở đó vẫn phải đào tạo lại hoặc khuyến khích các em tìm kiếm các khóa học ngắn hạn, hoặc hỗ trợ các em tìm kiếm học bổng để đi học” - TS Nguyễn Ngọc Anh cho biết.
Khái quát về thực trạng giáo dục đại học đầu thế kỷ 21 ảnh hưởng đến “đầu ra”, TS Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT cho biết, quy mô giáo dục đại học tăng gấp 2,35 lần, tỷ lệ 227 sinh viên/1 vạn dân, tỷ lệ lao động thông qua đào tạo đạt 40%. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, tỷ lệ sinh viên/giảng viên vẫn cao là 30 sinh viên/giảng viên (theo như kế hoạch chỉ có 20 sinh viên/giảng viên). Phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập chậm đổi mới, năng lực nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học chưa được quy định đầy đủ. Điều này ảnh hưởng đến năng lực của sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Nhiều rào cản khi chạy theo thực tế
Dự án phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE) do Bộ GD - ĐT chủ trì thực hiện với nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của chính phủ Hà Lan, đã được thực hiện ở Việt Nam từ năm 2006 - 2009 trong giai đoạn 1 được đánh giá là giải pháp có tính hệ thống và lâu dài. Đến tháng 8/2012, Chính phủ tiếp tục phê duyệt giai đoạn 2 của dự án (từ 2012 - 2015) với nhiệm vụ trọng tâm là khả năng tìm được việc làm của sinh viên tương đương khả năng làm việc có hiệu quả. Nhiều giải pháp được đặt ra nhưng nơi thí điểm vẫn còn gặp khó.
Ông Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, tham gia vào việc đào tạo ĐH theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, các nhà quản lý, giảng viên đều đề cập đến tâm lý và thói quen trọng bằng cấp trong xã hội cùng với thói quen quan tâm nhiều đến “bảng điểm” hơn là tay nghề và khả năng thực sự của sinh viên ra trường. Bản thân điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của sinh viên tham gia chương trình đào tạo POHE. Nguyên nhân là sinh viên tham gia chương trình POHE được chú trọng đào tạo khả năng thực hành, bài tập nhóm, còn các sinh viên tham gia chương trình truyền thống chủ yếu học lý thuyết, đánh giá qua thi cử. Do đó, so với cách học truyền thống, sinh viên theo chương trình POHE khá khó khăn để có bảng điểm “đẹp”.
GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, học phí những chương trình truyền thống thấp hơn nhiều lần so với học phí của chương trình POHE. Do vậy những trường ĐH tham gia đào tạo theo POHE đang phải đối mặt với vòng luẩn quẩn là: Đầu vào chương trình chưa tốt, chưa thực sự tạo ra một chương trình có uy tín; vì chương trình chưa có uy tín nên chưa thể thu học phí cao, chưa thu học phí cao nên không thể đầu tư tốt vào chương trình.
Theo bà Nguyễn Thị Lê Hương thì để phát triển chương trình một cách hiệu quả và nhân rộng ra các trường, cần rất nhiều thay đổi. Để phát triển mô hình này một cách có quy mô, rất cần chính sách hiệu quả từ phía Nhà nước, đặc biệt về vấn đề tài chính. Trong bối cảnh tới đây còn nhiều khó khăn về tài chính, thì việc xã hội hóa như thế nào cũng như vai trò của doanh nghiệp thị trường lao động ra sao là điều cần làm rõ. Những thực tế này đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, các trường, nơi sử dụng nguồn lao động... phải cùng vào cuộc.
Lê Vân