Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm mới được phụ trách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập

Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội vừa có công văn hướng dẫn, bổ sung một số nội dung về quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Để làm rõ hơn quy định trưởng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phải có ít nhất 2 năm công tác liên tục trong ngành giáo dục mầm non, báo Tin tức đã có trao đổi riêng với bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội về vấn đề này.

Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên ở các loại hình trường mầm non đều cần thường xuyên học tập rèn luyện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất nhà giáo để thực hiện tốt việc chăm sóc giáo dục trẻ. Ảnh: TTXVN

Hà Nội hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số, hàng năm trẻ mầm non đến trường tăng khoảng 25.000 - 30.000 trẻ.

Trong đó, tại các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, số lượng trẻ của con nữ công nhân lao động được chăm sóc nuôi dưỡng hầu hết tại các cơ sở GDMN ngoài công lập. Một minh chứng là tại xã Kim Chung, Võng La (Đông Anh) - nơi có KCN Bắc Thăng Long đóng trên địa bàn, số trẻ con em công nhân trên địa bàn là hơn 3.000 trẻ; trong đó, số trẻ đến trường công lập là hơn 1.200 ( gần 40%), ngoài công công lập là gần1.900, chiếm tới 60%.

Thông tin từ Phòng Giáo dục huyện Đông Anh, số lượng trẻ trên địa bàn tăng nhanh nên hệ thống trường lớp công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của cha mẹ học sinh. Các nhóm trẻ tư thục thành lập nhanh, nhiều nhóm vượt quá số trẻ theo quy định. Đa số các phòng học được cải tạo từ nhà ở nên thiết kế chưa phù hợp với trẻ. Đồ dùng đồ chơi thiếu.

Trước thực tế này, Sở GD-ĐT Hà Nội kịp thời ban hành công văn hướng dẫn, bổ sung một số nội dung về quản lý cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
 
Trong đó có quy định trưởng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có trình độ đào tạo Trung cấp sư phạm mầm non trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và có kinh nghiệm ít nhất 2 năm công tác liên tục trong ngành GDMN. Theo bà Hoàng Thanh Hương, như vậy, trưởng nhóm vừa có trình độ chuyên môn, vừa có kiến thức về quản lý giáo dục. Về 2 năm liên tục làm việc trong ngành GDMN, bà Hương cho biết, quy định này được hiểu là làm việc ở các vị trí có thể giáo viên, cán bộ quản lý trong trường mầm non công lập, ngoài công lập.

Chia sẻ trước lo ngại quy định về trưởng nhóm trẻ đã có đủ kinh nghiệm, khả năng quản lý hay kiến thức giáo dục, kỹ năng để có thể xử lý các tình huống xảy ra tại nhóm trẻ hay chưa, bà Hương lý giải: “Với tiêu chuẩn quy định như vậy, về cơ bản trưởng nhóm đã có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và quản lý để hỗ trợ quản lý hoạt động tại cơ sở GDMN quy mô là nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Thực tế để có thể xử lý các tình huống xảy ra tại nhóm trẻ ngoài kiến thức, kỹ năng cơ bản còn cần nhiều yếu tố như năng lực thích ứng, bản lĩnh giải quyết tình huống cụ thể… điều đó không chỉ trưởng nhóm mà mỗi cán bộ quản lý, giáo viên ở các loại hình trường mầm non đều cần thường xuyên học tập rèn luyện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất nhà giáo để thực hiện tốt việc chăm sóc giáo dục trẻ”.

Về cơ chế để giám sát điều kiện, chất lượng hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập hiện nay theo bà Hương cho biết, theo phân cấp quản lý nhà nước Phòng GD các quận, huyện, thị xã thực hiện chức năng nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đóng trên địa bàn.

Như vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện cơ chế chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát theo phân cấp quản lý, có quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trên địa bàn.


Để phối hợp, hỗ trợ, giám sát điều kiện, chất lượng hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ, tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập sẽ phải thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh với ít nhất 3 thành viên.
 
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập phải có văn bản, hồ sơ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn và UBND phường, xã khi có sự thay đổi về nhân sự.

Việc là tỉnh thành đầu tiên trong cả nước ban hành văn bản “Hướng dẫn, bổ sung một số nội dung về quản lý cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn thành phố”, Hà Nội mong muốn tăng cường quản lý các cơ sở GDMN trong điều kiện phát triển nhanh chóng của các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện nay.

Tại các khu vực có KCN, nữ công nhân thường chọn gửi con tại các nhóm trẻ, trường mầm non ngoài công lập do các trường công lập chỉ tiếp nhận được trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân được nghỉ thai sản theo qui định là 6 tháng. Nữ công nhân làm theo ca chiếm tỷ lệ tương đối lớn, khó khăn trong việc gửi con và chăm sóc các cháu. Công nhân lao động muốn gửi con gần nơi làm việc để thuận lợi việc đưa đón. Tuy nhiên các KCN, KCX chủ đầu tư không tính đến việc xây dựng các trường, nhà trẻ mẫu giáo để các nữ công nhân gửi con yên tâm công tác. Một số vấn đề khó khăn nảy sinh do đặc thù công việc của công nhân, đi sớm, về muộn, làm ca nên các trường công lập khó đáp ứng. Bởi vậy, có địa bàn, phụ huynh không muốn gửi con vào trường công.


L.S/Báo Tin tức
Thêm một số chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non
Thêm một số chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP trong đó quy định rõ chính sách đối với 4 đối tượng giáo viên Mầm non.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN