Chiếc Gùi trong văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và của người Jrai tại Gia Lai nói riêng - không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như đựng thức ăn lên nương rẫy, đi chợ, đựng bầu đi lấy nước mà còn là một trong những tác phẩm nghệ thuật được trang trí nhiều hoa văn, thể hiện đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, gửi gắm bao tâm tư tình cảm của người làm ra nó.
Theo phong tục mẫu hệ của dân tộc Jrai tại Tây Nguyên, thanh niên lớn phải biết đan lát, mà đặc trưng là chiếc Gùi; nếu không sẽ không lấy được vợ. Chỉ cần nhìn các ngón tay của chàng thanh niên trong làng, bố mẹ cô gái sẽ nhận biết được người này có biết đan lát hay không. Họ chọn cho con gái một thanh niên biết đan lát để sau về biết đan gùi, đan các vật dụng như rổ, rá, nơm cá.... Việc đan lát cần sự tỉ mỉ, siêng năng, khéo léo chứng tỏ người đàn ông có trách nhiệm với gia đình. Các cô gái sẽ nghe lời bố mẹ, bắt chồng là những chàng trai thường ngồi đan gùi trên nhà Rông của làng. Chiếc gùi vì vậy cũng được xem như một bảo chứng cho hôn nhân.
Nghệ nhân Rơ Châm HMút, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai) cho biết, thanh niên phải tập đan gùi, nếu không biết đan gùi sẽ bị đánh giá là lười biếng và không lấy được vợ. Hồi xưa người giàu chọn rể hay con gái "bắt chồng" thì đều lên nhà Rông xem thanh niên nào tay dính nhựa cây, ngón tay bị đứt bởi vót tre, vót nứa thì người đó biết đan gùi, tay sạch là không biết đan.
Chiếc gùi của dân tộc Jrai tại Gia Lai có thể chia làm 3 loại: Gùi thân tròn, một lớp, đan thưa để lấy củi, rau, măng, hoặc đựng bầu khi đi lấy nước; gùi thân tròn, một lớp, đan dầy đựng lúa gạo, bắp từ rẫy về và loại gùi thân dẹt có một hoặc ba ngăn thường đan bằng mây nan nhỏ dùng cho đàn ông đi rẫy, đi săn để đựng cơm, thuốc hút, dao, tên, bẫy thú, đeo áp chặt vào lưng, thuận tiện khi luồn lách trong rừng.
Những chiếc gùi này thường được làm từ tre và các loài cây thuộc họ tre, nứa và mây. Dây mây được dùng để quấn miệng hoặc làm đế gùi, đan quai gùi. Đế gùi thường được làm bằng mây hoặc các loại gỗ mềm để dễ uốn hình tròn, vuông. Khi đan thân gùi, các nghệ nhân sẽ tạo hoa văn trang trí bằng việc thêm hoa văn màu đen, đỏ hoặc lật xen kẽ các nan cùng màu. Thân gùi có thể nẹp tre hoặc mây qua các trụ góc. Nẹp thân được ốp vào thân gùi bằng dây mây. Tất cả các công đoạn đều được làm tỉ mỉ, chắc chắn để gùi có thể sử dụng được lâu dài, nhất là phần quai gùi dễ bị đứt khi tải đồ vật nặng.
Gùi là vật dụng gắn liền với cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt là phụ nữ. Về các buôn, làng, ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh mỗi buổi sáng hoặc chiều, phụ nữ thường cõng chiếc gùi trên lưng, đựng từng bầu nước ngọt về nhà. Hoặc cảnh từ già đến trẻ nhỏ, đàn ông hay đàn bà đều đeo những chiếc gùi lên nương, xuống chợ. Họ gùi mọi thứ như củ măng lồ ô, thảo mộc, mớ lá, gốc cây, con heo, con gà đến chợ; rồi lại gùi những gói mì tôm, chai nước, cân gạo, gói bánh mang về.
Không chỉ là nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từ xa xưa, nay, những chiếc gùi này lại càng được cộng đồng người Jrai trân quý bởi giá trị bảo vệ môi trường của nó mang lại. Ông Ksor Đường, huyện Krông Pa (Gia Lai) cho hay, ngày nay, việc cả xã hội sử dụng túi ni lông tràn lan trong sinh hoạt làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chính con người và các loài động vật trên thế giới. Với văn hóa dùng gùi để đựng các vật dụng mua từ chợ, người Jrai đang góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh, nói không với rác thải nhựa.
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có nhiều vật dụng thay thế gùi nhưng người Jrai nói riêng và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung vẫn luôn xem gùi là vật dụng quan trọng, gần gũi, là nét đẹp riêng của dân tộc cần được bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.
Già làng Rơ Chăm Sui, làng Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai) cho hay, người già trong cộng đồng có trách nhiệm truyền dạy nghề, hướng dẫn thanh niên trong làng cách đan lát, đặc biệt là đan Gùi để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, nhờ chiếc gùi mà dân làng ít sử dụng túi ni lông, để bảo vệ môi trường.